Có một vài ý kiến cho rằng tương lai văn chương dân tộc sẽ thuộc về lớp trẻ. Xét về lối viết và lối sống của thế hệ đương đại, những người trẻ đang có một sự hun đúc mãnh liệt khi cầm bút, nó tạo thành những cơn bùng nổ văn chương, và từng cơn sóng ấy xuất hiện sau mỗi cuộc thi thố nào đó trên các văn đàn.
Liệu những người cầm bút TRẺ có cơ hội trở thành nhà văn hay không? Câu hỏi này gần đây mới được nhiều người nghĩ tới vì cục diện văn chương trong cả nước đã có những bước thay đổi. Với một vài cá nhân được gọi là “hiện tượng văn chương” thì con đường bước vào “Nhà văn” sẽ thuận lợi hơn, nếu không muốn nói là được mời vào bởi vì sự “vượt mặt” của họ về thành tích văn chương là không thể chối cãi, còn tất cả thì phải xếp hàng theo trật tự. Những người viết thuộc thế hệ 5X, 6X bây giờ nếu còn đeo đuổi nghiệp văn chương thì bề dày của họ đã nói lên tất cả, là “Nhà văn” hay không, danh xưng đó không mấy quan trọng, những ai vẫn theo đuổi nó cũng có lý do rất chính đáng của bản thân họ. Khao khát được viết và được người đọc chấp nhận những trang viết của mình là một cử chỉ đẹp, được viết và tham gia vào một tổ chức Hội chính danh như Hội Nhà văn Việt Nam là một vinh dự, cho nên rất nhiều người viết trẻ hôm nay thuộc thế hệ 7X, 8X thậm chí 9X vẫn mong muốn được vươn tới niềm vinh dự ấy.
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cuối cùng của Tổ quốc, biết rằng khoảng cách trong văn chương không giống như địa lý, nhưng về tâm lý thì tôi nghĩ rằng có. Chữ có khoảng cách ở đây không mặc định là xa- gần mà là sự trông thấy, hiểu biết và quan tâm. Nhiều người trẻ ở những nơi xa xôi, thuộc các vùng miền không có sự “cạnh tranh” chữ nghĩa thì họ viết bằng cảm xúc tự nhiên, bằng sự dấn thân vào cuộc sống, bằng khao khát được thể hiện… không như thành thị, người viết phải có sự gắng sức, thể hiện yếu tố nổi trội về tài năng và khả năng tự đáp ứng để có được PR định danh tác giả. Và dù vị trí mình ở đâu thì những người trẻ cũng rất phấn khích khi có được sự ủng hộ, khích lệ hay dìu dắt của những lớp nhà văn tiếng tăm đi trước.
Văn chương dân tộc luôn có những lớp kế cận nối tiếp nhau dù họ đi theo khuynh hướng truyền thống hoặc không truyền thống, cuộc cách mạng truyền thông có tác động vào hay không, họ vẫn sống và viết bằng niềm đam mê. Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn hiện tại, người viết trẻ cần một thái độ sống, bản lĩnh, tài năng và sự cần mẫn trong sáng tác. Thái độ trân trọng tác phẩm của chính họ sẽ là một yếu tố để bạn đọc nhận ra chân tướng một tác giả. Vì vậy, viết cái gì và viết như thế nào trong sự tự do cho phép sẽ làm nên cuộc đời sáng tạo của một tác giả. Người viết trẻ xin đừng trông mong vào một ân sủng nào đó, như vậy họ mới có thể đi ngay và đứng thẳng trên mọi phương tiện.
Con đường vào Hội Nhà văn thoạt trông là cửa hẹp vì ở đó có nhiều tiêu chí cần phải xem xét: Về tác phẩm, về sức ảnh hưởng của tác phẩm, về thái độ sáng tác của tác giả, về tài năng, sự cống hiến… mà tất cả những yếu tố trên cần rất nhiều thời gian để được trui rèn, thể hiện và được công nhận. Không ít người viết phấn đấu đến cùng mục tiêu kia, nhưng khi vào được Hội Nhà văn thì không còn sức lực để viết nữa, hoặc không viết được nhiều nữa. Thực tế đó là có thực, và tôi tin rằng Hội Nhà văn Việt Nam nhất định sẽ mở thêm cơ hội cho người viết trẻ khi họ hội đủ tiềm lực, năng lực và sức bền để duy trì sự kế thừa, phát triển Hội về lượng lẫn về chất.
Nói về những người viết trẻ ở ĐBSCL, cho phép tôi được lan man một chút để thấy rằng sức hút của cánh cửa Hội Nhà văn không phải là không tác động đến lực lượng sáng tác trẻ này. Tại sao người trẻ vẫn khao khát có sách xuất bản khi mà đọc giả vẫn còn rất xa lạ với họ? Tại sao họ luôn muốn thử sức trong những cuộc đua tài văn chương? Viết lách không kiếm được tiền nhiều hơn những lao động khác vì sao họ chọn? Cái danh đối với người trẻ đang còn ở rất xa, họ bước vào thì đông mà đi ra cũng không ít, những ai trụ lại có được gọi là người có năng khiếu bẩm sinh, rèn luyện tốt sẽ trở thành tài năng? Con đường dài và đầy gian nan thử thách mà những người viết trẻ đang phấn đấu tôi tin phần lớn họ có định hướng và đi một cách có ý thức, có mục tiêu. Nhưng với tôi, một câu hỏi vẫn còn treo lơ lửng, vì sao các tác giả trẻ của ĐBSCL chưa thể tỏa sáng để những nhà văn đàn anh đàn chị ở trung tâm nhận ra họ? Văn chương là khí chất, phải chăng người đồng bằng quen tính ẩn nhẫn, dung dị, hào phóng nên không thích bon chen chốn đông người? Và nếu cứ giữ nguyên tư chất như thế liệu những người trẻ ở ĐBSCL có bị thiệt thòi trên con đường phấn đấu để trở thành Nhà văn hay không?
Điểm danh một vòng thử xem, từ cửa ngõ Long An chúng ta có Võ Mạnh Hảo với giọng thơ nhẹ mà vững chải, Tiền Giang có nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, Nguyên Chương, Bến Tre có cây bút văn xuôi Phong Hân, Ngọc Vinh, Đồng Tháp có Hồ Văn, Nguyễn Giang Sang, Cần Thơ có Hoàng Khánh Duy, Bạc Liêu có Phan Duy, An Giang có một loạt tác giả nổi bật: Từ Đông Triều, Trần Tùng Chinh, Trương Chí Hùng, Nghiêm Quốc Thanh, Nguyễn Đức Phú Thọ, Trần Sang, Hoàng Thị Trúc Ly… Nơi cuối cùng của Tổ quốc, Cà Mau dậy sóng với Nguyễn Thị Việt Hà, Huỳnh Thúy Kiều. Ba cây bút rất trẻ tạo ra dấu ấn về văn chương khá đặc biệt phải kể đến như: Vĩnh Thông, Lê Quang Trạng ở An Giang và Phát Dương ở Cần Thơ. Bề dày về sách xuất bản, giải thưởng văn chương và bút lực sung mãn của các cây bút trẻ này rất đáng để chúng ta (những nhà văn) nhận thấy và quan tâm.
Ngõ hẹp vì người đông, miễn là ta gắng sức. Tôi hy vọng các nhà văn hãy quan tâm đến các tác giả trẻ nhiều hơn, đọc tác phẩm của họ nhiều hơn để biết rằng chúng ta đang có một lực lượng nhà văn kế thừa không hổ thẹn, nếu người trẻ nào thực sự xứng đáng, xin hãy giới thiệu để họ có thêm một cơ hội trở thành Nhà văn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét