Thị trấn Nhà Bàng được thành lập theo Quyết định số 56-QĐ/HĐBT do Chính
phủ ký ngày 10 tháng 5 năm 1986, chính thức trở thành một đơn vị hành chánh của
Tịnh Biên, một huyện biên giới và miền núi của tỉnh An Giang, nằm về phía tây
nam Tổ quốc. Tịnh Biên cùng với huyện Tri Tôn là vùng đồi núi hiếm hoi giữa
đồng bằng sông Cửu Long bao la bát ngát, tạo nên những cảnh quan đặc thù khi
vừa có núi, có rừng lại có đồng ruộng, vườn cây và sông rạch.
Trước khi thành lập thị trấn, Nhà Bàn chỉ là địa danh, thuộc xã Thới Sơn
huyện Tịnh Biên, nhưng là một địa danh nổi tiếng ở khu vực biên cương nầy vì
chợ Nhà Bàn nằm ngay ngã ba đường. Một ngả đi về Tri Tôn dọc theo chân dãy Thất
Sơn trùng điệp, qua dốc Bà Đắc, Mương Tiền và rừng tràm Trà Sư; qua núi Kéc (*)
(Anh Vũ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Bà Đội Om… Một ngả đi lên cửa khẩu
Việt Nam – Campuchia qua núi Trà Sư, núi Cậu, kinh Vĩnh Tế và hiện nay là huyện
lỵ.
Ngoại trừ những năm chiến tranh ác liệt, chợ Nhà Bàn luôn sầm uất với
các nguồn đặc sản miền núi phong phú, đa dạng và độc đáo như các loại gạo ruộng
trên (lúa Sóc), rau củ quả Thất Sơn, thuốc núi (thuốc Nam), đường thốt-nốt… Nhà
Bàn còn là cửa ngõ của vùng Thất Sơn nếu đi từ hướng Châu Đốc, nên khách hành
hương, du lịch đi núi Cấm, núi Kéc, núi Trà Sư, rừng tràm Trà Sư, cửa khẩu Tịnh
Biên… đều phải qua Nhà Bàn và thường ghé chợ mua đặc sản miền núi.
Khi huyện Bảy Núi tách ra thành hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên vào ngày
23 tháng 8 năm 1979, Nhà Bàn là huyện lỵ, cách thành phố Châu Đốc 17 cây số và
cách cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên khoảng 5 km, nên rất thuận lợi cho sự giao
thương và phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Từ sự phát triển nầy, năm 1986
thị trấn Nhà Bàng được thành lập gồm 227 hecta, 4.673 nhân khẩu của xã
Thới Sơn và 311 hecta, 2.548 nhân khẩu của xã Nhơn Hưng. Nhà Bàn trở thành một
đơn vị hành chánh với tên chính thức là Nhà Bàng.
Từ năm 1986 trở về trước, tức là khi chưa thành lập thị trấn, hầu hết
các thông tin trên báo chí, văn kiện, bảng chỉ dẫn, cột cây số, nhà lồng chợ,
tác phẩm văn học nghệ thuật, địa phương chí đều được viết là Nhà Bàn khi nhắc
tới địa danh nầy. Trong quyển Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của
Nguyễn Liên Phong viết theo thể loại văn vần, do Đinh Thái Sơn xuất bản, nhà in
Phát Toán ấn hành tại Sài Gòn năm 1909, trong phần viết về Châu Đốc có đoạn như
sau:
“… Trà Sư cho đến núi Giài
Dân cư rẫy ruộng lúa khoai đầy đường
Thanh hoa đẳng vật coi thường vẻ vang
Để khi ăn uống nghỉ an luận bàn
Người đều kêu chợ Nhà Bàn thành danh…”
Còn nhà biên khảo Nguyễn Văn Hầu trong cuốn du khảo Nửa tháng
trong miền Thất Sơn, do Hương Sen xuất bản năm 1970, chương bảy với tiêu
đề Thới Sơn – một nông trại, có đoạn như sau:
“- Tại sao gọi là Nhà Bàng? Danh từ nầy có ảnh hưởng gì tới tiếng
Miên không?
- Nhà Bàng là tiếng Việt thuần túy đấy. Nghe nói trước kia, khi chưa lập
chợ, tại đây có một ngôi nhà sản xuất nhiều đệm bàng. Người ta cắt dây bàng về
thật nhiều, đập cho dẹp lại như láng bố, rồi dệt thành đệm để phơi lúa, chầm
nóp hoặc trải ra mà nằm thay cho chiếu. Sau khi mở chợ, người ta vẫn quen gọi
như vậy luôn, nên thành danh là vùng Nhà Bàng.”
Năm 1973, nhà xuất bản Khai Phá ấn hành cuốn Biên thùy truyện
ký của nhà biên khảo Liêm Châu, xin trích một đoạn trong bài Ông
Cao Nhà Bàn:
“… Trước hết phải phân tách địa danh Nhà Bàn. Cách Châu Đốc 17 cây số
trên đường đi vào dãy Thất Sơn là xã Thới Sơn nằm dưới chân núi Trà Sư. Xã nầy
còn mang thêm tên Nhà Bàn. Theo Địa phương chí thì chỗ nầy trước đây thành lập
một vườn ương cây (pépinière) của người Pháp do Sở Kiểm lâm quản trị. Trong
vườn ương cây, họ cất một căn nhà rộng rãi để cho dân phu trưa vào đó ăn cơm và
nằm nghỉ. Sau lần lần dân chúng qui tụ cất nhà lập chợ và nhắm vào hình ảnh
hiển nhiên ở địa phương mà đặt thành tên. Danh từ Nhà Bàn khai sanh từ đó.”
Gần nhất, trong cuốn Lịch sử An Giang, nhà xuất bản Tổng hợp
An Giang in năm 1988, nhà văn Sơn Nam viết:
“Năm 1885, tay kinh doanh Gạt-xơ-ri (Garcerie) đưa những bè súc từ
Campuchia về Tân Châu, để lập một trại cưa máy. Tên Măn-xê (Manset) lập sở
trồng cây ăn trái và cây kỹ nghệ ở khu vực “Nhà bàn”. Bàn là bàn ăn cơm tập
thể, cho lao công ngồi tạm.”
Ngoài ra, còn có người nói nơi nầy có cây bàng nên gọi là Nhà Bàng. Hoặc
chợ Nhà Bàn do một người phụ nữ tên Thị Bàn thành lập nên lấy tên bà đặt cho
chợ để kỷ niệm. Hai giả thuyết nầy đều không thuyết phục.
Gần đây, một số bài viết đăng trên vài tờ báo ở địa phương và thành phố
Hồ Chí Minh đề cập đến địa danh Nhà Bàn. Có ý kiến ngã về chữ Nhà Bàn, có ý
kiến cho rằng Nhà Bàng là đúng hơn. Riêng tôi, khẳng định là từ Nhà Bàn. Vì
sao? Nhà bàn là nhà ăn tập thể, là căn nhà có nhiều bàn ăn để nhiều người cùng
vào ăn một lúc. Từ nhà bàn rất thông dụng trước 1975, bởi ở các công
sở có nhiều công chức, lao động; doanh trại có nhiều người sinh hoạt tập thể,
nhất là các trung tâm huấn luyện của quân đội chế độ Sài Gòn, người ta cất
“sam” lớn, những ngôi nhà rất rộng, trong đó đặt những dãy bàn ăn và băng ghế
ngồi có thể chứa từ vài chục cho đến vài trăm người đến ăn cơm tập thể, gọi
là nhà bàn.
Theo tài liệu để lại vào cuối thế kỷ 19, người Pháp đến khu vực nầy mở
sở điền trồng cây, lập vườn ương cây thì tất nhiên phải thu nhiều nhân công và
cất lên một ngôi nhà lớn làm nhà ăn tập thể cho công nhân lao động, đó là nhà
bàn. Khi có việc cần bàn hoặc hội họp đông người, kể cả công nhân tìm chỗ nghỉ
trưa, vào nhà bàn nầy là phù hợp. Giữa một vùng đất còn khá hoang vu
đang được khai khẩn trồng trọt mà có một cái nhà bàn lớn như thế,
đương nhiên nổi bật, gây sự chú ý cho dân địa phương và người qua lại, rồi
gọi miết thành địa danh. Khi lập chợ mua bán đông đảo mọi người gọi là chợ Nhà
Bàn là thuận tiện, hợp lý nhất.
Còn từ Nhà Bàng? Đúng là lúc bấy giờ xung quanh vùng đất núi nầy còn
nhiều nơi phèn đọng và mọc hoang rất nhiều cỏ bàng, đưng, lác. Tận dụng ưu thế
nầy người dân địa phương đi cắt cọng bàng về giã cho dẹp, phơi khô đương đệm để
bán ra các vùng lân cận tăng thu nhập. Nghề nầy tạo công ăn việc làm cho cả xóm
và lan rộng nhiều nơi, đến tận vùng Vĩnh Gia, Vĩnh Điều chớ không riêng ở Nhà
Bàn. Ban đầu đệm được dùng để trải ngủ hoặc phơi lúa, dần dần người ta sáng
kiến may thành chiếc nóp để chống muỗi, khi đi đồng cuộn tròn mang theo rất
tiện lợi, có thể trải ngủ bất cứ nơi đâu, trên đất ruộng, thềm đìa hoặc trên
ghe, xuồng… Sau đó người ta chế ra giỏ xách, cặp, nón, bao ống tay cắt lúa…
bằng đệm bàng. Nghề nầy thịnh hành cho đến sau năm 1975 và hiện nay còn một hợp
tác xã chuyên sản xuất đệm bàng ở huyện Giang Thành, Kiên Giang. Vì vậy, có
người nghĩ địa danh Nhà Bàng xuất xứ từ một ngôi nhà chứa bàng tại đây.
Nhưng, ở Tịnh Biên và các vùng lân cận, khi vựa chứa, tích trữ một món hàng gì
người ta không gọi là “nhà” mà gọi là “vựa”. Ví dụ như có nhà
mua lá dừa nước về vựa lại để chằm lá bán cho người ta lợp nhà hoặc dừng vách
thì gọi là vựa lá. Nhà chứa củi để bán gọi là vựa củi, chứa cây tràm
gọi là vựa tràm, chứa cây tre gọi là vựa tre, thu mua cá để bán đi
nơi khác gọi là vựa cá, tích trữ gạo gọi là vựa gạo… chớ không ai gọi
là nhà lá, nhà củi, nhà tràm, nhà tre, nhà cá, nhà gạo… cả. Vì vậy, nếu
ngôi nhà chứa bàng nầy có thật, người địa phương cũng không bao giờ gọi
là “nhà bàng” mà gọi là “vựa bàng”, hoặc rộng hơn là “xóm
bàng”, nên địa danh Nhà Bàng là không có thật.
Khi đề nghị thành lập thị trấn mang tên Nhà Bàng, dùng địa danh dân gian
để đặt tên cho một đơn vị hành chánh là rất hay và ý nghĩa, nhưng có lẽ địa
phương dựa vào sự giải thích của nhà biên khảo Nguyễn Văn Hầu trong cuốn Nửa
tháng trong miền Thất Sơn và nghĩ rằng ngày xưa nơi đây có nhiều nhà
chứa đệm bàng nên thấy tên nầy là hợp lý. Bây giờ đã trở thành một đơn vị
hành chánh thể hiện trên nhiều công văn, giấy tờ; muốn sửa đổi không phải dễ vì
sẽ kéo theo nhiều phức tạp trên các giấy tờ tùy thân và văn kiện. Nhưng nếu
không sửa, ta lại chấp nhận một sự giải thích sai với sự thật và cái sai nầy
kéo dài mãi mãi, làm cho người đời sau hiểu nhầm về sự ra đời của một địa danh
nổi tiếng ở địa phương. Và ý nghĩa của việc lấy địa danh dân gian đặt tên cho
thị trấn cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
TRỊNH BỬU HOÀI
______________________________
(*) Núi Kéc có người viết là núi Két.
- Theo Từ điển Việt Nam do
Ban Tu thư Khai Trí biên soạn, Nhà sách Khai Trí xuất bản tại Sài Gòn năm 1971,
giải thích như sau: “Kéc: Loài chim vẹt, keo. Két: Tiếng gỗ rít vào nhau.
Giống keo (cũng viết kéc)”.
- Từ điển tiếng Việt của
Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1988, giải nghĩa: “Kéc:
Loài chim vẹt lớn. Két: xem mòng két. Mòng két: Chim có hình dạng như
vịt nhưng nhỏ hơn, sống ở phương Bắc, mùa đông di cư về miền ấm hơn”.
- Trong Từ
điển chính tả tiếng Việt thông dụng do Bùi Đức Tịnh biên soạn, Nhà
xuất bản Thuận Hóa in năm 1998, viết rằng: “Kéc: Con kéc, nói như kéc. Két:
Két két, cót két, ken két, chim mòng két”.
Vì vậy, hình tượng con chim
kéc quen thuộc với người miền Nam và gần gũi với sự liên tưởng của
người dân địa phương hơn là con chim mòng két nên tôi chọn chữ
núi Kéc.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét