Bạn sẽ không kìm được câu hỏi: Họ là
ai?
Họ là những tín đồ cao niên của đạo Tứ
Ân Hiếu Nghĩa, tôn giáo bản địa được khai sinh trên vùng đất An Giang, gắn liền
với công cuộc khai phá miền Thất Sơn và phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX.
Từ buổi đầu đến nơi nầy khai hoang trảm thảo, bao thế hệ đã gắn chặt cuộc đời mình và cả cháu con mình với mảnh đất đồi núi lô nhô, với cả những thịnh suy của thời đại, những hội tụ và ly tan, những mất mát và đáp đền… Thế hệ tổ tiên đặt những bước chân đầu tiên ở đây từ lúc biên thùy chỉ là chốn rừng rú thâm u trơ trọi cuối trời Tây, đến khi biên thùy bước vào cơn thắt ngặt nhứt trong lịch sử, cũng chỉ còn có những thế hệ con cháu của họ trụ lại. Đất không chết! Những con người đã sống cùng đất để gìn giữ đất với mong ước viết tiếp những trang mới về thanh bình.
Hãy thử vẽ chân dung những ông già
Nam Bộ ở Tri Tôn. Họ là người như thế nào?
Họ là nông dân. Tất nhiên. Những cụ
ông đến tuổi “cổ lai hy” ở xứ nầy đều xuất thân từ nông dân. Họ dành cả cuộc đời
mình chăm lo cho mảnh ruộng khô vùng Bảy Núi, bàn tay nhuần nhuyễn với cái cuốc
cái cày, nằm lòng từng loại giống lúa. Cũng chẳng còn gì xa lạ với việc tháo
chua rửa phèn, đào kinh thủy lợi, đem nước về ruộng chân núi. Trăm năm trôi
qua, hạt lúa vẫn trải vàng suốt những dặm dài biên giới. Những thế hệ cứ nối tiếp
nhau cần mẫn làm nên thương hiệu “lúa ruộng trên”, để hễ nhắc đến lại khiến bao
người phải xốn xang.
Họ là nhà Nho. Những cụ đồ Nho theo
quan niệm phương Đông không chỉ là người giỏi chữ, mà còn phải tinh thông cả Nho
- y - lý - số. Những điều nầy đều hội đủ trong các vị chức sắc Tứ Ân Hiếu
Nghĩa. Với tri thức sâu rộng về đạo và đời, họ trở thành những bậc thầy khả
kính trong mắt người dân. Có lẽ hiếm nơi nào trên cả nước Việt Nam hiện nay còn
có người dạy chữ Nôm cho con cháu, nhưng ở Tri Tôn điều đó không xa lạ. Không
chỉ giữ lại mạch nguồn xưa cũ, họ còn khơi dòng để nó lưu thông về phía tương
lai.
Họ là nghệ sĩ. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa
là một trong những tôn giáo hiếm hoi ngày nay còn sử dụng nhạc lễ Nam Bộ trong
các khóa lễ. Người tín đồ kỳ cựu thường biết chơi một hoặc vài nhạc cụ, phục vụ
cho nghi lễ tôn giáo. Lắm khi, một người có thể cùng lúc sử dụng nhiều loại nhạc
cụ. Bên cạnh đó vào những ngày thường, ngón đờn của họ còn được sử dụng để giải
trí lúc nông nhàn. Ai ngờ được rằng những bàn tay đã chai sạn với cuốc cày lại
uyển chuyển trên từng sợi tơ để dệt nên những thanh âm da diết đến nao lòng.
Cuối
cùng và trên hết, họ là người tu hành. Người ta thường nói, tu là phải hiền. Những
con người bước ra từ sự tàn khốc của chiến tranh cũng đã mạnh mẽ bước qua lằn
ranh của hận thù. Họ đã sống một cuộc đời lương thiện và dạy cho con cháu mình
đạo nghĩa nhân. Ngay cả trong cúng tế thần thánh, họ cũng thật hiền lành làm
sao! Có lẽ không có ngôi làng nào cúng thần bằng những lễ vật “lạ kỳ” như những làng
Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Không con vật nào bị giết, thay vào đó người dân dùng bột nắn
thành những con heo, gà, vịt… để dâng cúng.
Về xứ
núi, nếu tình cờ thấy những ông cụ với diện mạo vô cùng… “cổ truyền”, người ta dễ dàng
nghĩ rằng họ là những người thuộc về một thời đại đã quá xa xôi. Ấy vậy mà, bạn
sẽ không khỏi trầm trồ khi biết được những tài nghệ họ đang có. Đó là kinh nghiệm
về ruộng rẫy, sự am tường về chữ nghĩa, sự điêu luyện trong nghệ thuật… Không
ai có thể nghĩ những đôi tay quen với chuông mõ cũng là những đôi tay rắn rỏi với
cuốc cày, nhưng lại là những đôi tay linh hoạt trong phím đờn và nét bút. Những
điều tưởng chừng trái ngược nhau lại hòa hợp như rất dễ dàng trong những con
người bình dị chốn núi non. Và đặc biệt, họ đã cống hiến cho mảnh đất Thất Sơn
trọn một cuộc đời hiền lương, thuần hậu.
Dòng chảy
lịch sử vẫn xuôi về phía trước, những ông già Nam Bộ miền Bảy Núi dường như có
vẻ quá “cũ xưa” với thời đại,
nhưng họ đã không trì níu dòng chảy ấy lại, mà chỉ thả thêm những đóa hoa phẩm
hạnh xuống dòng nước, để chúng được cùng nhau xuôi chảy đến mai sau.
Nhiều bạn
bè của tôi từ phương xa đến Tri Tôn đều khen nơi đây đẹp quá, từ thiên nhiên tới
con người. Chắc hẳn rằng những ông già Nam Bộ chốn biên thùy sẽ là mảnh ghép
không thể thiếu cho bức tranh đa sắc ấy, vì chính cuộc đời của họ đã làm đẹp
thêm cho xứ núi biên cương.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét