Thành
phố Châu Đốc - tỉnh An Giang là một đô thị du lịch - lễ hội đầy tiềm năng với
quang cảnh thơ mộng bên
ngã ba sông. Châu Đốc vừa có núi, vừa có sông, lại có nhiều di tích văn
hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, những điểm đó góp phần thúc đẩy sự phát triển
du lịch của thành phố. Từ
nội ô thành phố Châu Đốc, du khách đi theo đường Tân Lộ Kiều Lương khoảng 5 km sẽ
đến với cụm di tích - danh thắng núi Sam là tâm điểm du lịch của Châu Đốc.
Tân Lộ Kiều Lương
Tân Lộ Kiều Lương là một trong những
con đường đầu tiên được đắp ở An Giang, do Thoại Ngọc Hầu cho thực hiện trong
hai năm 1826 - 1827. Con đường do chính ông bỏ tài sản ra thực hiện chứ không
dùng ngân sách triều đình, vậy mà ông chỉ khiêm tốn nhận xét rằng: “Làm việc ấy
chính là đã tỏ chút lòng đền đáp của kẻ chăn dân.”
Con đường hàng trăm tuổi nầy cũng là
một trong những con đường đẹp của tỉnh, gợi cho người An Giang biết bao nỗi nhớ
niềm thương. Xung quanh có đồng ruộng xanh tươi, ven đường có những hàng cổ thụ
tỏa bóng mát rượi, xa xa là ngọn núi Sam như bức bình phong vĩ đại chắn ngang.
Đặc biệt vào mùa hè, những hàng phượng ven đường trổ bông đỏ rực, nên nhiều nghệ
sĩ còn gọi nó là “đường phượng bay”.
Vườn tượng Dấu ấn An Giang (Ảnh: Vĩnh Thông)
Gần đến khu du lịch núi Sam, du khách
sẽ thấy công viên rộng lớn trưng bày những tác phẩm điêu khắc độc đáo làm từ
bàn tay của hàng trăm nhà điêu khắc đến từ khắp các nước. Đó là vườn tượng điêu
khắc đá quốc tế Dấu ấn An Giang –
thành quả từ hai trại điêu khắc quốc tế do Châu Đốc đăng cai năm 2003 và 2005.
Những tảng đá vô tri, vô hồn giờ đây dường như bay bổng và thoát tục. Mỗi bức
tượng là một thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn, thể hiện sinh động và phong phú
các nền văn hóa.
Chùa Tây An
|
Chùa Tây An (Ảnh: Vĩnh Thông) |
Điểm đầu tiên bạn bắt gặp khi đến núi
Sam là ngôi chùa Tây An đồ sộ và cổ kính nằm tại ngã ba. Chùa được Tổng đốc An
Giang là Doãn Uẩn cho xây dựng năm 1847 với tên Tây An mang thông điệp đầy
ý nghĩa: ước mong bờ cõi phía Tây được an định. Chùa được trùng tu nhiều lần
qua các đời trụ trì. Tuy nhiên, để có diện mạo như hôm nay là từ lần đại trùng
tu năm 1958 do hòa thượng Thích Bửu Thọ công đức, với dáng dấp kiến trúc Ấn - Hồi.
Chùa Tây An nằm trên nền cao, thoáng
rộng, tựa lưng vào núi Sam vững chãi phía sau, xung quanh có nhiều hoa kiểng tạo
cảnh sắc hài hòa. Tổng thể ngôi chùa là một công trình kiến trúc mang tính thẩm
mỹ cao. Nội - ngoại thất chùa được tạo tác công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ.
Tất cả làm nên sự hài hòa mà cũng rất đặc biệt, sáng tạo, không giống bất cứ
ngôi chùa nào.
Chùa Tây An cũng là một trong những
ngôi chùa có nhiều tượng nhứt An Giang, với khoảng 200 pho tượng. Đa số các tượng
được làm bằng gỗ, chạm trổ sắc nét, đậm triết lý Phật giáo. Bước vào chánh điện
chùa Tây An là bạn đã bước vào một không gian cổ xưa trầm mặc. Quanh chánh điện,
những bức tượng đầy màu sắc được điêu khắc sinh động nằm xen lẫn giữa những
hoành phi liễn đối bóng loáng được thếp vàng rực rỡ, khói nhang man mác bay
lên… tất cả tạo nên không khí u tịch.
Miếu Bà Chúa Xứ
Nằm chếch góc với chùa Tây An là miếu
Bà Chúa Xứ. Miếu ban đầu cất đơn sơ vào thập niên 1820. Đến năm 1870, ngôi miếu
được xây dựng lại bằng hồ ô dước, sau đó tiếp tục trải qua nhiều lần trùng tu.
Từ năm 1972 đến 1976, miếu được xây mới đồ sộ như hiện nay, với kiến trúc khối
tháp mô phỏng hình ảnh hoa sen nở.
Miếu Bà Chúa Xứ (Ảnh: Vĩnh Thông)
Trung tâm của ngôi miếu là pho tượng
Bà Chúa Xứ to lớn, mặc áo thêu rồng phượng lộng lẫy, đầu đội mão. Tượng làm bằng
trầm tích thạch màu xanh đen, vốn là tượng
nam thần trong văn hóa Ấn Độ với dáng ngồi
thư thái. Sau khi phụng thờ, người Việt đã điểm xuyết bức tượng mang khuôn mặt
người phụ nữ phúc hậu, gắn pha lê vào mắt trông rất sống động - một sự giao
thoa tín ngưỡng Mẫu bản địa vào Ấn giáo.
Miếu Bà và tượng Bà gắn liền với nhiều
truyền thuyết huyền bí, hấp dẫn, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Người ta cho
rằng tượng ngày xưa ở núi Sam, được người dân khiêng xuống để thờ. Tuy nhiên,
làm sao có thể đem tượng nặng hàng tấn lên núi và đem xuống, trong bối cảnh núi
rừng hiểm trở mấy thế kỷ trước? Câu hỏi ấy vẫn còn là một bí ẩn! Hằng năm, lễ hội
Vía Bà Chúa xứ núi Sam diễn ra từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch là lễ hội lớn
hàng đầu ở Nam Bộ và được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lăng Thoại Ngọc Hầu
Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm trên nền cao
tựa lưng vào núi Sam. Đây là nơi an nghỉ của Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại
và nhị vị phu nhân. Lăng còn được gọi là Sơn lăng hoặc lăng Quan lớn Bảo hộ,
lăng Bảo hộ Thoại hay đơn giản là lăng Ông. Dân gian vùng nầy có câu ca dao:
“Đi ngang qua cảnh núi Sam / Thấy lăng Ông Lớn hai hàng lụy rơi / Ông ngồi vì
nước vì đời / Hy sinh tài sản không rời nước non.”
Lăng Thoại Ngọc Hầu (Ảnh: Vĩnh Thông)
Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình kiến
trúc đặc sắc, cổ kính, với một tổng thể hài hòa từ cổng vào, đến bình phong,
khu mộ, đền thờ, cây cảnh… mang phong cách lăng tẩm triều Nguyễn. Toàn bộ khu
lăng được xây bằng hồ ô dước, bao bọc bởi bức tường dầy và cao, bền chắc. Cổng
vào lăng hình bán nguyệt đồ sộ. Sau cổng là năm tấm bia đá cổ do người đời sau
tìm được, trong đó bia ở giữa là bia Vĩnh Tế Sơn.
Trong khu chính có ba ngôi mộ xây bằng
hồ ô dước đơn sơ, khiêm tốn. Ngôi mộ ở giữa là của Thoại Ngọc Hầu, bên phải của
chánh thất Châu Thị Tế, bên trái nhỏ hơn là của thứ thất Trương Thị Miệt. Mỗi
ngôi mộ có kiến trúc mang dáng dấp đền miếu, trước mộ có bức bình phong dầy dặn
che chắn. Phía sau khu mộ là đền thờ Thoại Ngọc Hầu nhỏ gọn, đơn giản, đậm nét
truyền thống. Trong đền bày trí trang nhã, tôn nghiêm với điểm nhấn là tượng
bán thân Thoại Ngọc Hầu.
Núi Sam
Núi Sam cao 228 mét, chu vi 5200 mét,
nằm chễm chệ giữa một vùng đồng ruộng bát ngát, án ngữ cửa ngõ vào Thất Sơn. Thời
xa xưa, châu thổ Cửu Long còn chìm trong nước biển, hòn Sam nổi trên mặt nước,
mang hình dáng như con sam khổng lồ. Đến khi nước biển rút, hòn Sam nằm giữa đồng
bằng nên gọi là núi Sam, còn có tên là Hấu sơn, Học sơn. Sau khi việc đào kinh
Vĩnh Tế hoàn tất, vua Minh Mạng đã tứ danh ngọn núi nầy là Vĩnh Tế sơn, theo
tên Chánh thất phu nhân của Thoại Ngọc Hầu.
Núi có ba phần chính là ngọn Đầu Bờ
phía Đông, ngọn cao nhứt là đỉnh và ngọn Đá Chẹt phía Tây. Có thể lên núi bằng
hai con đường. Đường thứ hai lên núi Sam là đường nấc thang sau lăng Thoại Ngọc
Hầu, chỉ dành cho người đi bộ. Đường ngắn nhưng dốc, có nhiều chùa miếu và quán
ăn uống để du khách dừng chân. Đường tráng nhựa phía sau núi do Pháp thực hiện,
ô tô và xe hai bánh có thể đi dễ dàng. Từ Châu Đốc đến ngã ba Đầu Bờ rẽ trái một
đoạn nữa là đến.
Đỉnh của núi Sam có tên gọi là Pháo
Đài vì năm 1896 Chủ tỉnh Châu Đốc Doceuil đã cho xây dựng một ngôi nhà nghỉ mát
trên đỉnh núi, tầng trên cùng có hình trôn ốc nên người dân gọi là Pháo Đài.
Trong thời kỳ chiến tranh, Pháo Đài cũng là căn cứ quân sự chiến lược, tuy
nhiên đã bị phá hủy. Lên đến đỉnh núi, du khách sẽ thấy Pháo Đài chỉ còn là phế
tích với những bức tường loang lổ.
Xung quanh núi có đồng ruộng bát
ngát, trên núi có nhiều cây phượng và huỳnh mai cứ đến mùa là trổ bông rực rỡ cảnh
núi. Nhìn từ trên núi Sam xuống, Tân Lộ Kiều Lương trải dài giữa làng mạc, xóm
thôn. Dưới chân núi là nhà cửa chi chít, xa hơn là ruộng đồng, kinh rạch xanh
lơ, và đô thị Châu Đốc nằm tít xa quyện với sương mờ.
Bài & ảnh: VĨNH THÔNG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét