Đây là tiểu vùng phong phú cả về điều
kiện tự nhiên lẫn diện mạo văn hóa. Nơi đó có cả núi rừng, sông rạch, đồng
trũng, biên giới… Trên những không gian ấy là sự có mặt của người Việt (Kinh),
Khmer, Chăm, Hoa. Nếu sự đa dạng của tự nhiên đã giúp cư dân hình thành những
cách thích ứng mới với môi trường, thì sự đa dạng về văn hóa đã tác động làm biến
đổi hệ thống các giá trị trong đời sống xã hội của họ.
Ngay từ những bước chân đầu tiên, bao
lớp di dân đã gặp muôn vàn khó khăn để chinh phục nơi được ví von là: “Sáu
tháng đạp đất đồng khô / Nửa năm đi trên mặt nước”. Không chỉ phải đương đầu với
thiên nhiên khắc nghiệt, họ còn phải đối mặt với những biến cố lớn của xã hội,
nhứt là giặc ngoại xâm.
Để đứng vững trên mảnh đất nầy đã
khó, tiến trình kiến tạo văn hóa cũng không hề đơn giản. Sự tiếp xúc của những
làn sóng văn hóa buộc người di dân dù thuộc bất kỳ truyền thống nào cũng phải
có biện pháp ứng xử thích hợp. Sau ba trăm năm, thượng châu thổ nói riêng và đồng
bằng sông Cửu Long nói chung đã có cho mình một diện mạo văn hóa đặc thù và đặc
sắc.
Trong
bức tranh toàn cảnh đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy phủ trùm lên hệ thống văn hóa của cư
dân thượng châu thổ Cửu Long, nhứt là bình diện văn hóa phi vật
thể, chính là thành tố tín ngưỡng - tôn giáo. Với những tiền đề đặc thù, tiểu vùng nầy trở thành môi
trường thuận lợi để các tín ngưỡng - tôn giáo hình thành và phát triển. Từ đó,
thành tố nầy ảnh hưởng trở lại các thành tố khác trong hệ thống văn hóa, khiến
hầu hết mọi mặt trong đời sống của người dân nơi đây đều thấp thoáng có bóng
dáng của yếu tố tâm linh.
Với niềm say mê khám phá bầu trời tri thức văn hóa, chúng tôi đã đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề liên quan đến miền đất “huyền bí” nầy. Dẫu thời gian bước vào môi trường học thuật chưa quá lâu, song tác giả cũng đã thực hiện được một số nghiên cứu liên quan đến tiểu vùng thượng châu thổ Cửu Long và công bố trên các tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội thảo. Để đến hôm nay, Dấu ấn thượng châu thổ ra đời là quyển sách tập hợp những nghiên cứu đó. Chúng tôi xem đây là những thành quả nhỏ có thể đóng góp phần nào vào chặng đường tiếp cận diện mạo văn hóa tiểu vùng thượng châu thổ Cửu Long.
Trong sách, tác giả tạm sắp xếp các
bài viết vào bốn mục là Địa danh &
Nhân vật, Tín ngưỡng - tôn giáo, Đời sống sinh hoạt và Tản mạn dọc đường. Dĩ nhiên, cách phân
loại nào cũng bộc lộ những hạn chế nhứt định. Trong phạm vi của quyển sách nầy,
việc sắp xếp các bài viết vào các mục chỉ mang tính tương đối, nhằm giúp bạn đọc
dễ theo dõi. Ba mục đầu bao gồm các bài nghiên cứu, trong đó có những tác phẩm
được tác giả chỉnh sửa so với bản công bố lần đầu, nhằm cập nhật những phát hiện
mới. Bên cạnh những bài nghiên cứu là một số bài báo dưới hình thức dân tộc ký
được chúng tôi tập hợp vào mục Tản mạn dọc
đường ở phần cuối sách.
Do điều kiện nghiên cứu và năng lực bản
thân có giới hạn, chắc hẳn tác giả không tránh khỏi những thiếu sót trong tác
phẩm nầy. Chúng tôi rất mong được quý độc giả thông cảm lượng thứ và đóng góp ý
kiến. Hy vọng Dấu ấn thượng châu thổ sẽ được các bạn nhiệt tình đón nhận!
VĨNH THÔNG
Tác phẩm Dấu ấn thượng châu thổ của Vĩnh Thông do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành tháng 3/2021. Sách dày 232 trang khổ 13 x 20,5 cm. Giá bìa: 90.000 đồng. Quý độc giả có nhu cầu mua sách xin vui lòng liên hệ qua email: vinhthongts@gmail.com. |
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét