Tôi thường thích vi vu xe trên những nẻo đường quê, mong mỏi được cảm nhận nhiều thêm tình đất tình người miệt vườn hồn hậu. Trên những cung đường lang bạt, rất nhiều lần tôi bị cuốn hút bởi những ngôi đình miễu ven đường, như bắt gặp ngọn đuốc nhỏ sưởi ấm tinh thần cho lữ khách trong hành trình gió bụi. Đó còn là những biểu tượng cao cả của một thứ tình cảm đặc biệt mà con người dành để trao gửi cho con người. Trong một lần như thế giữa đồng Láng Linh (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), tôi bắt gặp ngôi miếu nhỏ cũ kỹ ven đường, đề ba chữ “dinh Trăm Quan”.
Nói đến dinh, người ta nghĩ ngay đến những dinh thự
nguy nga lộng lẫy. Ấy vậy mà nơi chúng tôi ghé vào chỉ là ngôi miếu nhỏ bé, nằm
thoi loi giữa khu đất trống. Thật ra ở miền Tây, dinh còn mang ý nghĩa là nơi
thờ tự: dinh thờ, dinh miếu. Có thể nó xuất phát từ chữ “dinh” nghĩa là nơi
đóng quân, đến khi nơi ấy không còn là doanh trại, người dân lập miễu thờ quan
quân tướng sĩ nhưng vẫn gọi là dinh.
Hai chữ Trăm Quan cũng là đối tượng tín ngưỡng khá phổ
biến ở miền Tây, nói đủ là Trăm Quan Cựu Thần hoặc Chư Vị Trăm Quan. Đây là thần
hiệu được dùng để chỉ chung các vị quan quân tướng sĩ cựu trào (triều Nguyễn)
có công với nước nên được dân chúng tôn thờ. Trong đó, con số trăm mang tính ước
lệ, biểu trưng cho số đông.
Bước vào khoảng sân rộng, tiếp đón chúng tôi là ông cụ
khoảng bảy mươi tuổi, đang làm một việc dường như hiếm thấy ở tuổi nầy, đó là…
chẻ củi. Ông ngừng tay, đứng dậy hỏi khách đến có việc gì, chúng tôi chỉ trả lời
đơn giản rằng mình muốn vào cúng. Vậy là ông từ tốn bảo khách đợi một chút, rồi
lẳng lặng bước vào trong. Đến khi trở ra, ông khiến tôi bất ngờ vì đã khoác lên
người chiếc áo dài chỉnh tề. Tôi không khỏi nghĩ suy, trong khi biết bao đình
cao miếu đẹp ngoài kia đang buôn thần bán thánh, thì ngôi miếu nhỏ ở miệt vườn
hẻo lánh lại đón tiếp những người khách lạ tình cờ ghé qua chốc lát bằng thái độ
trang trọng thế.
Bước vào dinh, tôi đưa mắt quan sát cách thiết trí bên
trong. Dù dinh có diện tích rất nhỏ và nội thất đơn sơ, nhưng vẫn toát lên sự tôn
nghiêm, thành kính và ấm cúng. Ở vị trí trung tâm của dinh là bàn thờ Tam Bảo và
Cửu Huyền Thất Tổ. Đối diện ở vách phía trước là bàn thờ Trăm Quan, có đặt chân
dung Lê Văn Duyệt và Nguyễn Trung Trực như hai vị “đại diện”. Mỗi bàn thờ có chút
ít hoa và trái cây, kiểu cây nhà lá vườn có gì cúng nấy, tất cả từ tấm lòng
thơm thảo của người địa phương.
Ông cụ đốt nhang đưa khách, rồi trịnh trọng gõ từng tiếng
vào chiếc chuông gia trì nho nhỏ trên bàn thờ. Tôi cảm nhận không khí vô cùng
trang nghiêm, như không hề có con đường ồn ào ngoài kia, tiếng gầm rú xe cộ, tiếng
xì xào bán buôn… chỉ có chúng tôi ngồi đây với thế giới nội tâm rỗng lặng. Và
bên cạnh, ông cụ đúng kiểu cách một ông già Nam Bộ với búi tóc sau ót, râu lơ
thơ dài xuống cổ, mặc chiếc áo dài truyền thống… Trong không gian huyền diệu ấy,
tôi cảm nhận ông hiện lên như ông Bụt trong cổ tích thời thơ bé, gần gũi xiết
bao.
Tiếp chuyện với chúng tôi, ông tự giới thiệu là ông Mười.
Chúng tôi không hỏi tên ông, mà có lẽ không cần làm điều đó. Bởi, những ông già
Nam Bộ là vậy, họ lặng lẽ sống và âm thầm cống hiến cho đất nầy như người vô
danh, vô danh như hàng ngàn binh sĩ Gia Nghị đã ngã xuống vì đất nầy, cái tên
có đáng là chi.
Ông Mười kể, dinh Trăm Quan nầy vốn là một đồn binh nhỏ
của nghĩa binh Gia Nghị trong cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867 - 1873) do Quản cơ
Trần Văn Thành lãnh đạo. Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa, quân Pháp cho thiêu rụi
khu rừng Bảy Thưa không còn lại dấu tích chi. Lâu sau, khi tình hình lắng dịu,
nhiều người địa phương còn nhớ địa điểm cũ, lén lút dựng lên ngôi miễu nhỏ bằng
tre lá để thờ cúng binh sĩ trận vong.
Ban đầu, vị trí ngôi miễu ban đầu nằm sâu trong đồng
Láng Linh, không thuận tiện cho nhân dân đến cúng bái. Vì đó là vùng đất trũng
thấp, ngập nước và sìn lầy gần như quanh năm, không có đường xá. Thấy sự bất tiện
đó, khoảng thâp niên 1950, các vị cao niên đến Bửu Hương tự (nơi thờ Quản cơ Trần
Văn Thành ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) xin keo cho dời ra vị trí hiện
nay.
Kể từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ, dinh đã xuống cấp.
Khi chúng tôi hỏi về nguồn tài chánh cho việc trùng tu, ông Mười trầm ngâm. Ông
tâm sự, dinh có một miếng đất công, cho người địa phương thuê làm lúa và lấy
huê lợi, bên cạnh đó có tiền hỷ cúng của bá tánh thập phương. Song, cả hai nguồn
ấy đều không đáng là bao, các cụ phải dành dụm từng đồng tiền ít ỏi. Bà con địa
phương đã dự định trùng tu, có người thiết kế bản vẽ giúp và các cụ đang giữ trong
tay, nhưng họ vẫn chưa đủ kinh phí để khởi công và đang chắt chiu từng ngày.
Láng Linh xưa nay được xem là chốn kham khổ vì thường
ngập lụt, người dân không coi trọng nhà cửa cao sang, nhưng lại dốc lòng vì ước
nguyện chung của cộng đồng, vì ngôi miếu ven đường, vì những nghĩa binh đã ngã
xuống… Nghĩ về ngôi miếu đơn sơ, những tâm sự của ông Mười, từng đồng tiền lẻ
mà người địa phương đóng góp, tôi bỗng liên tưởng đến biết bao tượng đài nghìn tỷ
mọc lên nhan nhản khắp nơi và tự hỏi: Tượng đài làm bằng chất liệu gì bền vững
bằng “tượng đài lòng dân”?
Nhìn cây nhang vừa cắm vẫn còn khói bay phảng phất
trên bệ thờ, lòng tôi rưng rưng nhiều cảm xúc khó tả. Một lần đọc sách của nhà
văn Sơn Nam, thấy ông viết: “Có lòng thành thì thấy như thần hiện ra. Lòng
thành là gì? Theo Khổng học, lòng thành là lòng vị tha. Trong phút giây, nếu
lòng dạ trong sáng chẳng nghĩ đến việc ám hại người khác, chỉ nghĩ đến quyền lợi
chung của thôn xóm thì thần hiện ra trong tâm trí mình, nhắc nhở đạo làm người.”
Lại tự hỏi, thời đại thật giả nhập nhằng bây giờ, còn được bao người đứng trước
thần linh mà “chỉ nghĩ đến quyền lợi chung của thôn xóm”?
Không phải chùa, không phải đình, lại có thờ cả Tam Bảo
lẫn Cửu Huyền Thất Tổ, nhưng chung quy thì dinh vẫn là nơi thờ tự những người
yêu nước. Gọi tên chính xác thì đó là tín ngưỡng gì, tôn giáo gì, đạo gì đây? Dường
như đó là thứ niềm tin vượt ra ngoài khuôn khổ của tôn giáo, niềm tin mang tính
tổng hợp và hài hòa, được thể hiện một cách hết sức tinh tế và nhân văn.
Đơn giản thôi mà, đạo làm người.
Châu Phú, 7/2016
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Báo Văn nghệ TP.HCM, số 480, 2017)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét