Mỗi năm, đến ngày 21 hoặc 22 tháng 12 Dương lịch, đất trời bước vào tiết Đông chí. Từ đó, ta cứ đếm thêm mười lăm ngày nữa sẽ đến tiết Tiểu hàn, mười lăm ngày nữa đến tiết Đại hàn và mười lăm ngày nữa đến tiết Lập xuân. Lập xuân rơi vào ngày 4 hoặc 5 tháng 2 Dương lịch - lúc nầy Âm lịch cũng đã là cuối tháng Chạp bước sang đầu tháng Giêng. Ngày chuyển giao giữa hai tiết, khí hậu thường có ít nhiều thay đổi. Song, sự biến đổi ấy cũng có tính co giãn chứ không cố định. Dân gian đúc kết câu thành ngữ “tiền tam hậu nhị” nghĩa là sự thay đổi khí hậu nếu sớm thì tối đa ba ngày và nếu muộn thì tối đa hai ngày so với ngày chuyển tiết.
Như thế theo quy luật
tuần hoàn, trời đất bước sang cột mốc giữa đông (Đông chí) rồi phải trải qua kỳ
rét nhẹ (Tiểu hàn) đến rét đậm (Đại hàn), vậy là mùa xuân mới thực sự bắt đầu. Có
lẽ do đó cho nên mùa xuân gắn liền với cái đẹp. Bởi, đây là lúc vạn vật thay da
đổi thịt, thời tiết êm dịu, cây lá đâm chồi, chim chóc sinh sôi… Cô gái điệu đà
mang tên Xuân ấy chưng diện cho mình bộ trang phục thật rạng ngời.
Đứng trước sự thay đổi
kỳ diệu và kỳ vĩ của đất trời như thế, con người sao có thể làm ngơ! Văn hóa
phương Đông coi trọng triết lý “thiên địa nhân hiệp nhứt”, nên để hài hòa với vẻ
đẹp của tự nhiên, con người cũng tự làm đẹp cho mình. Mỗi cá nhân chuẩn bị quần
áo mới, mỗi gia đình dọn dẹp và trang trí nhà cửa, mỗi cộng đồng trang hoàng làng
xóm đường phố…
Nào chỉ có thế, ngăn
tủ ký ức cũng được dọn dẹp gọn gàng. Những ngày nầy, người ta chấp nhận bỏ qua
cho nhau hoặc tạm gác lại những buồn giận xưa cũ, với câu cửa miệng “Tết mà” mang
hàm ý hết sức hỷ xả, bao dung. Một đòn bánh tét hay một gói mứt của nhà nầy tặng
cho nhà bên, đôi khi không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa là quà biếu. Nếu hai nhà
trong năm qua có lời qua tiếng lại không hay, thì đây còn là một dịp - một cách
để xin lỗi và tha thứ, để làm lành và làm mới lại mối quan hệ.
Như vậy, con người
không chỉ làm đẹp bên ngoài để đón xuân, mà còn làm đẹp cả trong tâm hồn. Do
đó, Tết từ ngàn xưa đến nay luôn mang thông điệp về sự gắn kết trọn vẹn. Tuy
nhiên gần đây, có rất nhiều bạn trẻ chê rằng Tết càng lúc càng nhạt! Hãy cùng
ngẫm lại thử xem?
Con người tạo ra văn
hóa, chứ không phải văn hóa tạo ra con người, do đó cũng chính con người điều
chỉnh văn hóa của mình. Tết là sản phẩm văn hóa do con người sáng tạo ra, nếu
không phải con người điều chỉnh nó thì làm sao tự nó có thể chủ động “đậm” hay
“nhạt” được? Tết nhạt, đúng hơn là chính chúng ta đang sống nhạt nhòa với nhau.
Kìa như nhiều người không mua hoa ly trang trí nhà ngày Tết vì đồng âm với chia
ly, nhưng nhiều người lại thích vì họ gọi nó là hoa bách hợp. Hóa ra, hoa chẳng
có ly hay hợp, chỉ con người mới hợp hay ly.
Chúng ta mãi loay hoay tìm kiếm hạnh phúc, nhưng hiếm khi chịu cảm nhận hạnh phúc. Hạnh phúc không phải để tìm kiếm, mà để cảm nhận. Chúng luôn thường trực xung quanh ta mọi lúc, chỉ có điều ta chưa chuẩn bị sẵn một tâm thế an lạc đủ để có thể chào đón và cảm nhận, thay vào đó lại chạy đôn chạy đáo săn đuổi hạnh phúc tận đẩu đâu. Nhiều người tìm kiếm những niềm vui xa xỉ cho ngày Tết, khi không có được chúng thì họ cho rằng Tết nhạt. Nhưng cũng có nhiều người, chỉ với một nén nhang cúng ông bà tổ tiên, một mâm cơm đoàn viên gia đình, một buổi lễ chùa đầu năm… cũng đủ thấy Tết đậm đà và ấp áp biết bao. Đời sống hiện đại, người ta bày vẽ nhiều thứ nặng về vật chất và hình thức, rồi lại tự nhìn chính những điều do mình bày vẽ ra để nhận định rằng Tết nhạt hay Tết trở nên bất tiện… Âu cũng do lòng!
Xuân, gẫm cho cùng có lẽ là an nhiên. Bài thơ Xuân cảnh của Trần Nhân Tông có hai câu cuối rất thú vị: “Khách lai bất vấn nhân gian sự / Cộng ỷ lan can khán thúy vi.” Khách đến không hỏi chuyện đời, nào phải chỉ là không muốn nói! Mà đó còn là sự không màng đến, không vướng bận, không xáo động, để chủ và khách cùng an nhiên đứng ngắm trời đất vào xuân. Chúng ta hôm nay cảm thấy Tết nhạt, phải chăng vì trong lòng chất chứa quá nhiều “nhân gian sự”?
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét