Tốt nghiệp đại học ngành Văn hóa học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhưng tác giả trẻ Vĩnh Thông không chọn tìm kiếm cơ hội việc làm tại thành phố, mà quyết định quay về An Giang để tiếp tục con đường nghiên cứu văn hóa, tôn giáo vùng đất thượng châu thổ. Đó là cách mà theo Vĩnh Thông là theo đuổi đam mê nghiên cứu, giới thiệu nét đặc sắc của vùng đất nơi mình sinh ra đến cho nhiều người được biết và cũng là cách mà người trẻ muốn cống hiến cho sự phát triển của quê hương.
Càng đi sâu, càng viết nhiều, tác giả 9x Vĩnh Thông mới cảm
nhận được hết sự thôi thúc viết về quê hương, về con người, về văn hóa vùng đất
mình sinh sống. Tác phẩm mới nhất có tên Dấu ấn thượng châu
thổ sẽ cung cấp cho độc giả cái nhìn khái quát về văn hóa vùng biên
giới Tây Nam, từ giải thích tên gọi, địa lý đến dấu ấn văn hóa của những tộc
người. Vượt qua những áp lực, vượt qua những khó khăn đối với người
trẻ khi tiếp cận với mảng văn hóa rộng, đòi hỏi kiến thức sâu, có phương
pháp tiếp cận khoa học, Vĩnh Thông đã dần chinh phục được độc
giả.
Vinh dự nhận Giải Tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn
học Nghệ thuật Việt Nam năm 2018, trước đó là Giải Nhất trong Cuộc thi Văn
chương Thủ Khoa Nghĩa năm 2015, hiện tác giả Vĩnh Thông tiếp tục miệt
mài trên con đường sáng tác, con đường nghiên cứu, nhằm có nhiều tác phẩm đóng
góp cho người đọc hiểu thêm về vùng đất quê hương.
Phóng viên Ngọc Bích có cuộc trao đổi với tác giả Vĩnh Thông về tác
phẩm Dấu ấn thượng châu thổ do Nhà xuất bản Tổng
hợp phát hành.
* Cảm
ơn tác giả Vĩnh Thông rất nhiều vì đã dành thời gian cho chương trình hôm nay.
Và vừa qua, cuốn sách thứ tám của bạn đó là Dấu ấn thượng châu thổ - một
tác phẩm viết về văn hóa. Xin mời tác giả Vĩnh Thông nói một chút về tác phẩm
này cho thính giả được biết.
Chào chị và chào các thính giả! Quyển sách Dấu ấn thượng châu thổ tập hợp những bài
nghiên cứu mà tôi đã viết khoảng vài năm gần đây. Trong đó, có nhiều mảng
đề tài khác nhau, xoay quanh vùng đất được địa lý học gọi là “thượng
châu thổ”, tức là vùng đón sông Cửu Long chảy vào Việt Nam đầu tiên,
vùng biên giới Tây Nam.
Đây là nơi tương đối cao ở đồng bằng sông Cửu Long, khi người
dân đến khai phá thì họ không ưu tiên chọn vùng đất này. Tuy nhiên, sau mấy
trăm năm sinh sống ở đây, họ đã xây dựng nên nhiều giá trị văn hóa rất đặc
biệt. Trong đó, nổi bật là mảng tín ngưỡng tôn giáo, rất nhiều tôn giáo bản địa
được ra đời, bên cạnh đó là các hình thái tín ngưỡng được phát sinh. Cho nên nó
đã tác động đến các giá trị văn hóa khác trong đời sống của nhân dân nơi đây. Khi
nghiên cứu về các vấn đề ở vùng đất này, tôi thường hay chú ý tới mảng tín
ngưỡng tôn giáo đó, cũng như các giá trị mà cộng đồng dân cư ở đây đã kiến tạo
nên.
Bên cạnh đó, trên vùng đất này còn có sự chung sống hòa hợp
của nhiều tộc người: Việt, Hoa, Khmer, Chăm… Không chỉ mỗi tộc người duy trì
nền văn hóa riêng của họ, mà họ còn đón nhận lẫn nhau, chia sẻ, dung hòa để tạo
nên diện mạo văn hóa chung cho địa phương rất độc đáo.
* Có
thể nói đối với những tác giả trẻ, khi đến với con đường sáng tác thì họ thường
sẽ chọn thơ văn để bộc lộ những suy nghĩ của mình. Vĩnh Thông cũng không là
ngoại lệ vì trước đó bạn đã có khá nhiều tập thơ, tập truyện ngắn, tập tản văn… Nhưng
đến quyển sách thứ 8 này lại là một quyển sách nghiên cứu về văn hóa. Tuy nhiên
theo tôi thấy, nghiên cứu về văn hóa đòi hỏi rất nhiều về kiến thức và đặc biệt
là niềm say mê. Không biết tại sao lại có sự chuyển hướng này?
Trước đây tôi cũng có sáng tác văn thơ và đã xuất bản sách.
Sau đó, tôi có niềm đam mê với lĩnh vực văn hóa. Đến lúc vào đại học, tôi chọn
học ngành Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong
thời gian học, tôi được tiếp thu rất nhiều tri thức mới cũng như những phương
pháp nghiên cứu về văn hóa. Và điều đó càng thúc đẩy niềm đam mê của tôi hơn
nữa. Cho nên, tôi tiếp tục có nhiều bài nghiên cứu ra đời và chúng được tập hợp
vào quyển sách này.
* Trong
quá trình viết nghiên cứu, tôi nghĩ rằng nguồn tài liệu rất quan trọng.
Quả đúng vậy, các nguồn tư liệu rất quan trọng. Trong đó, những
người làm nghiên cứu thường chia làm hai bộ phận, đó là tư liệu thu thập từ
thực tế và tư liệu tham khảo từ những nhà nghiên cứu đi trước. Chúng ta đối
chiếu lại, xem thông tin nào hợp lý, có thể sử dụng được. Tương tự như thế,
tôi cũng đi điền dã để tìm hiểu các giá trị văn hóa của vùng miền, bên cạnh đó
đọc nhiều tài liệu. Có những tài liệu của các tác giả đi trước, đôi khi họ cũng
bỏ công sức ra để giải thích rất nhiều vấn đề, nhưng do hạn chế của thời đại
chiến tranh hoặc thời đại khó khăn của đất nước, khiến họ chưa có nhiều điều
kiện để đào sâu hơn. Cho nên với sự đối chiếu từ thực tế và các tài liệu thì
chúng ta có thể tiếp tục khai thác thêm những điều mà các thế hệ đi trước đã bỏ
trống.
* Và
trong quá trình thực hiện những bài nghiên cứu về văn hóa như thế này, đặc biệt
là dành cho vùng đất thượng châu thổ, thì có những khó khăn hay không ạ?
Ban đầu khi mới viết, tôi chủ yếu dựa vào kiến thức từ sách
vở, từ thực tế, mà chưa áp dụng nhiều những phương pháp khoa học về văn
hóa. Sau này, khi tôi bắt đầu học nhiều hơn và tiếp xúc nhiều thầy cô thì dĩ
nhiên cũng tiếp nhận những phương pháp từ họ. Và phải nói đó là những bài học
rất quý giá để vận dụng vào nghiên cứu văn hóa. Trong đó, có một số đề tài
được các thầy cô gợi cảm hứng cho tôi tìm hiểu và đào sâu hơn.
* Sắp
tới Vĩnh Thông có tiếp tục theo con đường nghiên cứu về văn hóa hay như thế
nào?
Miền Tây là quê hương của tôi và có rất nhiều đề tài mà tôi
ấp ủ. Theo dự kiến, trong năm nay tôi sẽ tiếp tục xuất bản một quyển sách nữa
về văn hóa. Tôi là người có niềm đam mê văn hóa nên lúc nào cũng cố gắng khai
thác những giá trị văn hóa của các cộng đồng. Thứ nhất là các tộc người
thiểu số, thứ hai là các địa phương có niên đại thành lập lâu năm, tìm xem họ có
những giá trị gì xưa cũ mà đến nay vẫn còn cuốn hút với những người hiện đại.
Những đề tài đó không chỉ phục vụ cho nghiên cứu. mà có thể nó là chất liệu để tôi
chuyển tải vào các tác phẩm văn chương - những thể loại đòi hỏi nhiều cảm
xúc.
*
Xin cảm ơn bạn Vĩnh Thông rất nhiều! Hy vọng rằng sắp tới, bạn đọc sẽ có được
trong tay nhiều tác phẩm mới của Vĩnh Thông, đó là những tác phẩm viết về văn
hóa.
Xin cảm ơn chị Ngọc Bích và quý thính giả!
NGỌC BÍCH thực hiện
(Bài phát sóng trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, ngày 4/4/2021)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét