Chạm đến tinh khôi (NXB Dân Trí) là đầu sách thứ 7 của cây bút trẻ Vĩnh Thông (sinh năm 1996) và là tập truyện ngắn thứ 2 sau Trở về và chào nhau. Những câu chuyện về tình yêu, gia đình, đời người trong tập truyện mang nỗi buồn man mác với nhiều tâm sự, uẩn khúc.
Tác phẩm gồm 14 truyện ngắn với các đề tài khác nhau, được tác giả sáng tác trong những năm gần đây. Các truyện ngắn trong tập đều đã được giới thiệu trên các báo và tạp chí uy tín. Trong đó, có 2 tác phẩm từng đoạt giải thưởng trong các cuộc thi truyện ngắn.
Hầu hết các truyện có nội dung đơn giản, ít tình tiết lắt léo, mang nhiều chất tự sự. Với lối viết chú trọng khai thác nội tâm nhân vật, tác giả lôi cuốn người đọc bằng những nỗi niềm, bằng góc nhìn của người trong cuộc để cảm nhận sâu vấn đề mà nhân vật phải đối mặt. Như cô giáo trong truyện Rồi đất lại về luôn trăn trở, băn khoăn làm sao giữ được bờ đất ven sông, nơi tổ tiên, dòng tộc, gia đình cô từng ở đó. Nỗi niềm ấy cùng giấc mơ và lời căn dặn của ông nội cứ bào mòn cô như từng con nước bào mòn dải đất. Ðể cuối cùng cô ngộ ra chân lý đơn giản về quy luật đến và đi của đất đai, cây cỏ và con người, để tâm hồn thanh thản, bình an.
Phụ nữ với những trắc trở đời người, tình duyên là mảng đề tài được Vĩnh Thông chú trọng khai thác trong tập truyện này. Có những người phải bỏ nhà, bỏ quê hương xứ sở ra đi như một cách trốn chạy, lãng quên quá khứ như Kim trong Ðức lưu phương, “tôi” trong Ngoại ô chiều đông chí, Nhã trong Bên miếu Cổ Nhơn, Hảo trong Phía chênh vênh. Hay có những nỗi đau khi phải dứt bỏ bào thai vừa tượng hình trong Tiếng khóc thiên thần, hủy hoại sinh mệnh khi bị gia đình ngăn cấm trong Ði qua bến đời người… Trong những chặng đường chông chênh đầy gai góc ấy, mỗi người chọn cho mình một lối đi riêng. Có những người ra đi rồi cũng chọn quay về, có người chấp nhận xuôi theo số phận, có người chọn buông bỏ tình yêu để đeo đuổi ước mơ, sự nghiệp… Dưới ngòi bút của Vĩnh Thông, những số phần lận đận ấy chiếm được sự thông cảm, thương xót của người đọc.
Ðặc biệt, khi viết về trẻ em, Vĩnh Thông gây ấn tượng mạnh bằng câu chuyện đầy day dứt của một cậu bé cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, trong sự thờ ơ của cha mẹ khi mải miết lo làm ăn mà không quan tâm con trẻ. Ðể rồi một ngày cậu bỏ nhà để đi tìm cánh diều yêu thích (truyện Cánh diều xanh). Hay sự ngưỡng mộ tinh thần lạc quan của một cô bé phải chiến đấu với khối u não trong Chạm đến tinh khôi. Ðể rồi ánh mắt trong veo, nụ cười tươi sáng cùng sự hiểu chuyện của cô bé ấy truyền năng lượng tích cực khiến mọi người dường như quên hết những ưu phiền, mệt nhọc của kiếp người.
Thiên nhiên và bối cảnh trong các truyện ngắn là một điểm sáng của tập truyện này. Ðó có thể là dòng sông, bến nước, là núi đồi chập chùng, là ngôi nhà cổ hàng trăm năm, là quê hương với những kỷ niệm dấu yêu, là những cung đường nắng gió hay đơn giản chỉ là con diều trên bầu trời xanh… Tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong mỗi câu chuyện và được tác giả miêu tả chi tiết. Bởi khi nhân vật trải lòng với thiên nhiên, với quê hương, với những gì gắn bó lâu dài, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn và câu chuyện cũng dễ đi vào lòng người hơn.
CÁT ÐẰNG
(Đọc tập truyện ngắn Chạm đến tinh khôi của Vĩnh Thông,
Nxb Dân Trí, 2020. Bài đăng trên Báo Cần Thơ, ngày 19/7/2020)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét