Huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) là vùng đất cổ, gắn liền với vương quốc Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo. Đây là một đế quốc mang màu sắc thần quyền, tồn tại khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, có nền văn hóa chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ. Trong thời gian Phù Nam tồn tại, Óc Eo là một hải cảng sầm uất và đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, sự diệt vong của vương quốc nầy đến nay vẫn còn là bí ẩn!
Thập niên 1940, nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret đã khai quật vùng Ba Thê - Óc Eo. Đợt khai quật khảo cổ học nầy đã phát hiện nền móng của các công trình kiến trúc không có mái ngói. Bên cạnh đó, ông còn tìm được nhiều hạt cườm, mảnh vàng, đồ trang sức được chế tác tinh xảo. Ông đã đặt tên cho văn hóa nầy là Óc Eo.
Sau đó, giới sử học nước ta cũng tổ chức nhiều đợt khai quật. Kết quả thu được là phát hiện một dạng kiến trúc cung đình mang tính cách tôn giáo. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết của hệ thống kinh rạch cổ chằng chịt. Đặc biệt có một đường nước dài gần 100 km từ Angkor Borei (Campuchia) chảy đến Châu Đốc, qua Óc Eo rồi đến Kiên Giang. Trong lòng đất cũng tồn tại hàng ngàn di vật cổ như gốm, tượng, trụ gỗ, công cụ…
Di chỉ Gò Cây Thị (Ảnh: Vĩnh Thông)
Địa bàn của vương quốc Phù Nam là vùng hạ lưu sông Mekong, bao gồm cả khu vực Nam Bộ - Việt Nam và Campuchia ngày nay. Người Phù Nam chủ yếu làm nông nghiệp và đạt trình độ phát triển ổn định với hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh. Thương nghiệp có điều kiện phát triển với hệ thống cảng biển có khả năng giao thương rộng rãi trong khu vực. Ngoài ra, họ cũng giỏi các nghề thủ công mỹ nghệ.
Theo các nhà khoa học, khi đó đồng bằng sông Cửu Long chưa được bồi đắp như ngày nay, đô thị cổ Óc Eo là một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam, có diện tích rất lớn. “Thành phố Óc Eo” có hai khu vực chính, nội thành là nơi ở của quý tộc, quan lại, binh lính, đạo sĩ, thương gia và ngoại thành là nơi ở của dân thường. Óc Eo từng có một giai đoạn là kinh đô của vương quốc Phù Nam.
Khu di tích Óc Eo gồm nhiều di tích có giá trị đang được bảo tồn. Di tích Nam Linh Sơn tự là công trình kiến trúc và mộ táng tiêu biểu với quy mô lớn. Di tích Gò Óc Eo là địa điểm cư trú với kiến trúc nhà sàn và xưởng thủ công quy mô. Di tích Gò Út Trạnh là một tổng thể kiến trúc tôn giáo, gồm ba hạng mục chính, được xây theo trục Bắc - Nam. Di tích Gò Cây Thị nằm trên cánh đồng Óc Eo là cung đình mang tính chất tôn giáo rất kiên cố. Di tích Gò Cây Trôm là công trình kiến trúc gắn với hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. Di tích Gò Cây Da có dấu vết của nhà sàn với những cọc gỗ…
Nằm trên một gò cao thuộc thị trấn Óc Eo, chùa Linh Sơn còn được gọi là chùa Phật Bốn Tay, là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng ở An Giang. Đây không chỉ là địa điểm hành hương, mà còn được xem là “bảo tàng” văn hóa Óc Eo đầu tiên của tỉnh An Giang. Chùa do hòa thượng Như Chánh khai sơn năm 1912. Năm 1913, người dân địa phương phát hiện một bức tượng bốn tay làm bằng đá dưới chân núi Ba Thê. Trước đó, họ cũng tìm thấy hai tấm bia đá lớn, có khắc nhiều chữ cổ. Họ đã mang tượng đến thờ tại chùa Linh Sơn và gọi là tượng Phật bốn tay, đồng thời gắn hai bia đá ở hai bên tượng. Hai bia đá và tượng Phật bốn tay ở chùa Linh Sơn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Theo các nhà nghiên cứu, những cổ vật nầy có niên đại khoảng từ thế kỷ II đến thế kỷ VI. Chữ trên bia đá có thể là chữ của người Phù Nam xưa. Hiện hai bia đá vẫn còn nguyên vẹn nhưng chữ trên bia đã mờ. Pho tượng mà nhân dân gọi là tượng Phật thực chất là tượng thần Vishnu của Ấn Độ giáo, có bảy đầu rắn Naga hợp thành một cái tán che trên đầu tượng. Pho tượng ban đầu có tư thế đứng, mang màu sắc nguyên thủy của đá cổ. Sau khi thờ phượng, người dân đã sửa chữa thành tượng ngồi kiết già và sơn màu lên đá, nên làm mất đi không ít giá trị nghệ thuật.
Óc Eo hiện nay là khu di tích rộng lớn, điểm du lịch lý thú, gắn liền với những dấu vết của vương quốc Phù Nam cách nay hàng ngàn năm. Đến với Óc Eo, bạn có thể khám phá một nền văn minh cổ đầy hấp dẫn, với nhiều hiện vật độc đáo. Di tích Óc Eo đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 và đang được lập hồ sơ đề xuất lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Bài & ảnh: VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Thế giới di sản &
in trong sách An Giang núi rộng sông dài)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét