Tết đến, trong hoàn cảnh dịch bệnh
vẫn chưa qua, nhiều ánh mắt lo ngại hỏi nhau: “Tết nầy làm sao đây?” Nếu là Tết
và có thể trả lời, chắc hẳn Tết sẽ nói: “Tôi vẫn vậy thôi, chứ có sao đâu!”
Quả thật, Tết muôn đời vẫn vậy, chỉ có con người loay hoay.
Tết mỗi năm, chúng ta loay hoay trong
mua sắm, tiệc tùng, du lịch, chưng diện… Đến khi Tết về trong dịch bệnh, chúng
ta tạm cất lại những loay hoay ấy, chuyển sang loay hoay theo một kiểu khác. Đó
là… làm thế nào để có cái Tết giống như những năm trước!
Hãy đọc lại bài thơ nổi tiếng viết
về mùa xuân của Trần Nhân Tông là Xuân
vãn:
“Niên
thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng”
(Tuổi
trẻ chưa từng hiểu sắc không
Xuân sang hoa sắc gửi vào lòng
Gương mặt xuân nay đà khám phá
Nệm cỏ giường thiền ngắm cánh hồng)
Thuở nhỏ, chưa hiểu rõ quy luật vận
hành của vạn vật, mùa xuân đến khiến ai cũng hồ hởi mừng rỡ, ngược lại mùa xuân
đi làm ai cũng ngậm ngùi tiếc nuối. Đến khi lớn lên, dầu đã thấu hiểu sự biến đổi
của cuộc đời, nhưng liệu có mấy ai có thể ung dung ngắm cánh hoa tàn khi mùa
xuân qua?
Bởi thế, không có gì lạ khi nhiều
người vẫn hay than thở rằng Tết buồn quá, Tết ngắn quá, Tết vô vị quá… Mỗi năm,
chỉ với sự đổi thay của đất trời, đã khiến ta không thể ung dung được. Vậy thì
năm nay, làm sao ta có thể ung dung trước sự biến động lớn hơn rất nhiều của xã
hội? Và như thế, con người vẫn mãi… loay hoay!
Đối với nhiều người, Tết đến là dịp
để mua sắm, tiệc tùng, du lịch, chưng diện… Ta mãi chạy theo chúng và lấy chúng
làm niềm vui. Song, ta không nhận ra rằng, đó là mình đang chăm sóc cho bản
thân, chứ không phải chăm sóc cho Tết. Trước nay, chúng ta chưa hề chăm sóc tốt
cho Tết của chính mình.
Chúng ta không chăm sóc tốt cho Tết,
trái lại bắt Tết làm “nô bộc” cho mình. Tết có nhiệm vụ phải chuyên chở niềm
vui cho con người, mặc dầu chúng ta thừa sức hiểu rằng niềm vui là thứ do chính
con người tạo ra. Tuy nhiên, nếu Tết không làm được nhiệm vụ ấy, con người lại
hờn mác, giận dỗi, thở than… Chúng ta mãi như một đứa trẻ thơ không lớn nổi dưới
vòm trời bao dung của Tết.
Dịch bệnh đã làm cho cuộc sống của
chúng ta thay đổi mạnh mẽ. Tết nầy, mọi người sẽ hạn chế những chuyến đi xa, những
buổi tiệc tùng, những trận đỏ đen… Thay vào đó, mỗi người có cơ hội trở về với
góc nhà xưa, xó bếp cũ, khu vườn của nội… Và nơi đó, Tết về!
Tết là sự trở về.
Mỗi năm Tết luôn trở về với chúng
ta, nhưng liệu chúng ta có thực sự “trở về” với Tết?
Ta đã không trở về với Tết để làm
đẹp cho khoảng sân vàng trước nhà. Lá rụng được quét sạch, vài chậu bông được đặt
lên. Ai đó nhắc chừng: “Mai mốt bông lại rụng tiếp cho mà coi!” Thì vậy, nhưng
có hề chi, mảnh sân đã dọn sạch lòng mình, để sẵn sàng đón nhận màu nắng tinh
khôi. Khoảng sân đã trở về với Tết. Còn ta thì không!
Ta đã không trở về với Tết để hòa
mình cùng niềm vui bình dị của bao đứa trẻ. Đâu phải đứa nào cũng may mắn có được
quần áo mới, lì xì, bánh mứt… Trái lại, chúng ta có đầy đủ tất cả những điều kiện
tốt đẹp. Vậy mà, bằng tất cả sự trong sáng, bọn nhóc đã trở về với Tết. Còn ta
thì không!
Ta đã không trở về với Tết để
chiêm ngưỡng khoảnh khắc nụ mai nở bung những cánh vàng tròn trịa phút trời đất
giao hòa. Cây mai đã được lặt lá từ giữa tháng Chạp, dồn hết dưỡng chất nuôi lớn
những chồi xuân. Để rồi kiên cường vượt qua mùa giá lạnh, chúng đã trở về với Tết.
Còn ta thì không!
Ta đã không trở về với Tết để lăn
xăn cùng mớ bánh tét, thịt kho, mứt dừa… của mẹ. Dừng chân dưới mái hiên nhà rồi đó, nhưng chúng
ta đã thật sự “có mặt” ở đó chưa, hay vẫn rong ruổi cùng những dự định, lo âu,
muộn phiền… “Tết cực chứ con, nhưng một năm có một lần mà!” - Như vậy đó mẹ đã
trở về với Tết. Còn ta thì không!
Chúng ta nghĩ rằng, Tết ngày nay
đã không còn những hương vị của Tết ngày xưa, vì mình đâu thể là con nít mãi.
Quả thật, hiện tại không phải quá khứ, nhưng quá khứ có mặt trong hiện tại, và
hiện tại là sự nối tiếp của quá khứ. Trong những gì hiện hữu hôm nay, ta có thấy
nụ cười của mình ngày trước, với những cái Tết ấm áp mà sống động đã từng trải
qua? Và với cả những ai chẳng may không còn mẹ, ta vẫn là đứa con thơ bé xoắn
xít bên chân mẹ với trăm công ngàn việc mỗi độ Tết về.
“Tết nầy làm sao đây?” Có sao đâu,
Tết vẫn vậy, chỉ là chúng ta sẽ đón Tết theo một cách khác đi, có cơ hội để
chăm sóc tốt hơn cho Tết của mình.
Hai chữ “nguyên đán” thật đẹp!
“Nguyên” là đầu tiên, “đán” là buổi sáng, “nguyên đán” là buổi sáng đầu tiên, ở
đây ngụ ý là buổi sáng đầu tiên của năm mới. Thật ra, buổi sáng nào cũng như
nhau cả: mặt trời lên, gà gáy, hoa nở, chim hót, gió thổi… Thế nhưng, có mấy ai
quan tâm đến những buổi sáng bình an như thế, khi mình còn mải miết chạy theo
những tính toan? Vậy nên, phải cảm ơn những người đã đặt ra cái ngày gọi là Tết
Nguyên đán, để chúng ta tạm dừng những toan tính, nhìn lại và nhận ra: Ô kìa!
Buổi sáng thật diệu kỳ!
Sống với tâm thế đó, ngày nào cũng
là buổi sáng đầu tiên, ngày nào cũng là nguyên đán.
28/12/2021
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tập san Dặm ngàn Đất Việt, số 21 + 22, 2022)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét