1. Dẫn nhập
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) là điểm hành hương nổi tiếng ở vùng đất phương Nam. Cùng với đó, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách và trở thành lễ hội lớn hàng đầu ở Nam Bộ. Người dân các nơi tìm về núi Sam không chỉ để cúng viếng, cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình và quê hương, mà còn tham quan ngoạn cảnh, đồng thời trải lòng mình với không gian tín ngưỡng dân gian mà người phương Nam xưa đã gửi gắm tinh thần vào buổi đầu trên vùng đất mới.
Qua hai thế kỷ từ khi ngôi miếu đơn
sơ được dựng lên ở núi Sam, nơi đây vẫn gắn liền với bao điều huyền bí và hấp dẫn
được lưu truyền khắp đồng bằng sông Cửu Long qua nhiều thế hệ. Có những câu hỏi
đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. Bài viết dưới đây, chúng tôi
xin trao đổi thêm về số phát hiện mới khá thú vị xoay quanh ngôi miếu đặc biệt
nầy.
2. Nguồn gốc pho tượng cổ
Pho tượng Bà Chúa Xứ ở miếu Bà Chúa Xứ
núi Sam được nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret (người đầu tiên nghiên cứu về bức tượng vào năm
1941) cho rằng được tạc khoảng cuối thế kỷ VI [Trịnh Bửu
Hoài 2010: 13]. Tượng cao khoảng 1,8 mét làm bằng trầm tích thạch màu xanh đen,
chất liệu tượng không phải là loại đá có ở địa phương và thậm chí cả Nam Bộ, điều
đó nghĩa là bức tượng được mang từ nơi khác đến. Tượng tạc một người ngồi với
tư thế khoan thai, dáng thấp, mập mạp, bụng lớn, ở trần, đóng khố, chân trái xếp
vào người, chân phải gập đứng gối, tay phải đặt lên đầu gối, tay trái chống ra
sau đùi. Nhìn chung, kỹ thuật chế tác còn thô sơ và thiếu tinh tế, điều nầy cho
thấy bức tượng được tạc từ rất sớm, khi nghệ thuật điêu khắc phát triển chưa
cao.
Pho tượng ban đầu vốn là tượng nam thần
trong văn hóa Ấn Độ, nhiều ý kiến cho rằng đây là thần Vishnu, trong đó có nhà
khảo cổ Pháp Louis Malleret [Trịnh Bửu Hoài 2010: 12].
Tuy nhiên, chúng tôi lại cho rằng vị thần đó là Shiva. Bằng chứng là hiện nay
trên núi Sam còn bệ đá tương truyền là nơi đặt tượng ngày xưa. Bệ đá nầy hình
vuông dẹp, ở giữa có lỗ vuông. Nếu để ý kỹ, ta sẽ nhận ra bệ đá chính là yoni
và pho tượng là một dạng biến thể của linga. Dưới tượng có trục vuông, khi đặt
tượng bên trên ăn khớp với lỗ vuông của bệ đá, chính là linga được đặt trên
yoni. Mà theo tâm thức truyền thống, yoni tượng trưng cho thần Vishnu còn linga
tượng trưng cho thần Shiva.
Đây là pho tượng nam thần, nhưng tại
sao người Việt lại tôn thờ là nữ thần? Theo chúng tôi, phong cách mỹ thuật Ấn Độ
thể hiện vị thần mang những chi tiết như mái tóc xoăn dợn sóng quấn thành búp,
gương mặt thanh tú, sóng mũi cao, khuôn ngực đầy đặn… Những chi tiết đó kết hợp
với “tâm thức Mẫu” sẵn có trong văn hóa Việt và các cư dân nông nghiệp lúa nước
ở Đông Nam Á cổ, đã dễ khiến người Việt cho rằng đây là tượng nữ thần. Đến khoảng
thập niên 1940, Ban Quý tế của miếu đã mướn thợ tô điểm khuôn mặt bức tượng cho
thật giống người phụ nữ phúc hậu, sơn màu da mặt hồng hào, kẻ mắt và gắn pha lê
vào mắt sống động [Liêm Châu 2011: 6]. Phần mặt được chế tác sau có chất liệu
khác với loại đá nguyên thủy của thân tượng.
3. Việc phát hiện pho tượng
Dân gian cho rằng, ngày xưa pho tượng
nằm trên đỉnh núi Sam, được người địa phương phát hiện và khiêng xuống chân núi
để lập miếu thờ vào khoảng thập niên 1820. Hiện nay, trên đỉnh núi vẫn còn bệ
đá chân tượng, được tìm thấy vào năm 1980, như một bằng chứng cho câu chuyện
mang tượng từ trên núi xuống. Tuy nhiên, làm sao có thể đem tượng đá nặng hàng
tấn từ đỉnh núi xuống đồng bằng trong bối cảnh núi rừng hiểm trở mấy thế kỷ trước?
Thậm chí, pho tượng liệu có thật sự được mang từ trên núi xuống hay không? Điều
đó vẫn còn là bí ẩn.
Theo truyền thuyết, khi người dân tìm
thấy pho tượng thì không thể nào khiêng lên được. Lúc đó có một vị thần nhập đồng
vào một cô gái, xưng là Bà Chúa Xứ, dạy rằng phải có chín cô gái đồng trinh mới
có thể khiêng tượng xuống (có dị bản kể là bốn mươi thanh niên lực lưỡng). Dân
làng làm đúng lời dạy, pho tượng trở nên nhẹ hẳn, khiêng xuống núi dễ dàng. Đến
vị trí ngôi miếu hiện nay, tượng bỗng dưng nặng trịch không thể di chuyển, người
dân cho rằng ý Bà muốn ngự nơi đây nên lập miếu thờ.
Tạm gác giả thuyết chín cô gái, chúng
ta thử đi theo giả thuyết bốn mươi thanh niên. Dù tượng nặng hàng tấn nhưng với
số lượng ngần ấy người thì việc di chuyển là điều không khó. Song, vấn đề cần
lưu ý là vào thời điểm đó cây rừng rậm rạp, địa hình núi lồi lõm, đất đá nhấp
nhô, chỗ cao chỗ thấp khác nhau… Làm sao có thể di chuyện một tượng đá với kích
thước quá lớn như thế? Chỉ vấn đề rừng cây cũng là câu hỏi nan giải: núi ngày
xưa không trống trải mà được bao phủ bởi rừng rậm, cây mọc um tùm đan cài vào
nhau, làm sao bức tượng khổng lồ có thể len lỏi qua những khoảng trống nhỏ giữa
các thân cây?
Thậm chí, chi tiết phát hiện bệ đá
chân tượng tượng vào năm 1980 cũng khiến chúng ta đặt ra nghi vấn. Tại sao khi
khiêng pho tượng xuống núi, người dân không mang theo cả bệ tượng, mà “bỏ quên”
lại để đến gần hai thế kỷ sau mới “phát hiện” ra? Qua khảo sát thực tế, vị trí
hiện nay đang đặt bệ tượng là một chỏm cao trên đỉnh núi Sam. Chỏm cao ấy là một
gò đất tương đối bằng phẳng, hay là một cụm đá nhấp nhô? Bởi, nơi đặt bệ đá
tương truyền là nơi đặt pho tượng khi xưa, như thế nơi đó phải có địa hình
tương đối bằng phẳng, chứ pho tượng không thể nào đứng vững trên một cụm đá nhấp
nhô. Tuy nhiên, đáng tiếc là chúng ta không thể khảo sát sâu hơn, vì phần thân
của chỏm cao ấy đã bị đắp kín lại bằng xi măng!
Chúng tôi mạnh dạn nêu lên một giả
thuyết e có phần táo bạo: Có thể bức tượng không phải được mang từ núi Sam xuống
mà được mang từ nơi khác đến và đặt ở chính vị trí ngôi miếu hiện nay, về sau
người ta mới mang bệ tượng đặt trên đỉnh núi Sam để hợp thức hóa truyền thuyết?
Chúng ta nên lưu ý, mặc dù tượng có niên đại xa xưa, nhưng đến thập niên 1820 mới
xuất hiện ở núi Sam. Giai đoạn nầy, Thoại Ngọc Hầu đang làm Trấn thủ Vĩnh
Thanh, đóng tại đồn Châu Đốc. Chỉ có ông với lực lượng của mình mới đủ khả năng
mang bức tượng từ nơi khác đến, cũng chỉ có ông với quyền hành của mình mới đủ
khả năng “huyền thoại hóa” pho tượng.
Nếu thật sự pho tượng không phải được
mang từ núi Sam xuống thì được phát hiện ở đâu và nếu có di chuyển thì bằng
phương thức nào? Đây là vấn đề phức tạp, chúng tôi chưa dám khẳng định, chỉ xin
nêu ra như một gợi mở, hy vọng câu hỏi đó sẽ sớm được làm sáng tỏ.
4. Ngôi miếu đa văn hóa
Trong quá trình các tộc người sinh sống
gần gũi nhau trên một không gian cư trú sẽ dẫn đến tiếp xúc, giao lưu và tiếp
biến văn hóa lẫn nhau. Thuật ngữ tiếp biến
văn hóa được đưa ra định nghĩa đầu tiên vào năm 1936 là: “Những hiện tượng
xảy ra khi các cộng đồng có văn hóa khác nhau tiếp xúc trực tiếp liên tục, dẫn
đến những biến đổi trong các mô thức văn hóa ban đầu của một hoặc cả hai nhóm”
[Robert Redfield & Ralph Linton & Melville J. Herskovits 1936: 149].
Đây là quá trình lan truyền và biến đổi văn hóa của các đơn nguyên, thông qua
đó mỗi truyền thống văn hóa được vận động, phát triển và trở nên đa dạng hơn.
Đi khai phá miền châu thổ, người Việt
không chỉ mang theo kho tàng văn hóa hàng ngàn năm từ cố quán, mà còn tiếp thu
những nét đẹp văn hóa từ các tộc người phương Nam. Dù
thường được xem là vùng đất trẻ, nhưng Nam Bộ đã có tốc độ giao lưu tiếp biến
văn hóa nhanh chóng và làm biến đổi sâu sắc văn hóa các tộc người. “Hệ
quả là hầu như không có hiện tượng văn hóa nào ở nơi đây còn thuần chất nữa mà
luôn có bóng dáng của những nền văn hóa khác, đã hội tụ nơi đây trong bốn thế kỷ
qua” [Lý Tùng Hiếu 2015: 62]. Không bỏ đi hoàn
toàn văn hóa của mình cũng không tiếp nhận hoàn toàn văn hóa của bạn, họ đã xử
lý một cách bản lãnh và dung hòa, từ đó tạo nên một vùng văn hóa riêng biệt,
không phải là “bản sao” của đất tổ, lại thấp thoáng những nét chấm phá từ văn
hóa Chăm, Khmer và Hoa.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một bức
tranh văn hóa sinh động với nhiều gam màu, bởi nơi đây đã tập hợp một hệ thống
đa dạng nhiều yếu tố văn hóa. Chúng ta hãy thử quan sát.
Về diện mạo pho tượng, bắt nguồn từ Ấn
giáo, người Việt đã thực hiện một động thái kết hợp tín ngưỡng Mẫu của mình
thông qua việc điểm xuyết khuôn mặt phái nữ cho tượng đá. Song, mặc dù cũng là
dạng thức thờ cúng Thánh Mẫu của người Việt, nhưng cách người dân tô điểm cho
diện mạo và trang phục của Bà Chúa Xứ lại khác rất xa so với Mẫu Tam phủ - Tứ
phủ ở miền Bắc. Bà mặc áo thêu rồng phượng lộng lẫy, đầu đội mão kim sa, kiểu
cách nầy dễ khiến ta liên tưởng đến hình ảnh Thiên Hậu trong tín ngưỡng của người
Hoa.
Về danh xưng vị thần, Bà Chúa Xứ vốn
bắt nguồn từ Po Inư Nưgar (mẹ xứ sở) trong văn hóa Chăm mà người Việt tiếp
nhận và biến đổi thành Thiên Y A Na qua lớp áo truyền thuyết do mình dựng lên.
Vào Nam, vị thần nầy lại biến thành Bà Chúa Xứ (Chúa Xứ Thánh Mẫu) được thờ nhiều
nơi ở miền Nam chứ không riêng gì núi Sam, mỗi làng hoặc miệt có thể có Bà Chúa
Xứ riêng. Po Inư Nưgar của người Chăm tiếp biến vào văn hóa Việt không chỉ
dưới danh xưng Thiên Y A Na hay Bà Chúa Xứ, mà còn nhiều biến thể khác như Bà
Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Thượng Động Cố Hỷ…
Về kiến trúc
ngôi miếu, ngoại thất mang tính thẩm mỹ cao với tổng thể là khối tháp hình chữ “quốc”. Nóc là cổ lầu
nhiều cấp mô phỏng hình ảnh hoa sen nở, mái lợp ngói đại ống tráng men xanh ngọc.
Chánh điện cao rộng, thoáng sáng, trang trí hài hòa, đa dạng về phong cách nghệ
thuật. “Bên cạnh những hoa văn cây, lá, chim, thú dân dã quen thuộc của Nam Bộ,
nghệ thuật chạm khắc gỗ trong chánh điện miếu Bà còn thể hiện sắc sảo mô típ tứ
linh, bát tiên… và đặc biệt có cả màu sắc nghệ thuật Ấn - Hồi pha lẫn Chăm và
Khmer, đó là hình ảnh những vị thần khỏe mạnh giang tay chống đỡ những đầu kèo
bê tông nối vào tường…” [Huỳnh Quốc Thắng 2003: 119-120].
Về cách bày trí thờ tự, sự tích hợp
đa văn hóa cũng được thể hiện rõ nét. Trung tâm ngôi miếu là bàn thờ Bà Chúa Xứ,
hai bên có bàn thờ Cô và Cậu biểu trưng yoni và linga trong Ấn giáo. Trước bàn
thờ Bàn Chúa Xứ bà bàn thờ Hội Đồng, cặp theo hai bên vách là bàn thờ Tiền Hiền
và Hậu Hiền - ba đối tượng thờ tự nầy được lấy theo mô hình đình làng người Việt
ở Nam Bộ. Ngoài sân lại có miễu thờ Neak Tà là vị thần bảo hộ dân cư trong tín
ngưỡng của người Khmer.
Về nghi lễ, hằng năm lễ hội Vía Bà
Chúa Xứ núi Sam theo nghi thức truyền thống diễn ra từ ngày 23 đến 27 tháng 4
âm lịch, vẫn thể hiện sự hỗn dung văn hóa rõ rệt. Là tín ngưỡng Mẫu, nhưng nghi
lễ ở miếu Bà núi Sam không giống nghi lễ các Mẫu ở Bắc Bộ hay Trung Bộ, cũng
không giống nghi lễ cúng Thiên Hậu của người Hoa, mà mô phỏng gần như hoàn toàn
nghi lễ của đình làng ở Nam Bộ (với trình tự các nghi thức gồm Thỉnh sắc, Túc yết,
Xây chầu, Đại bội, Chánh tế, Hồi sắc…).
Song, trong văn tế ở lễ Vía Bà đã đề
cập đến rất nhiều Mẫu và nữ thần từ các tộc người như Chúa Ngung Man Nương, Thạch
Trụ Cô Nương, Nặc Tà - Á Rặc, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Khổng Tử, Thất Vị Thánh Mẫu,
Tứ Vị Thánh Nương, Nhị Vị Công Tử… kèm theo lời thỉnh mời tất cả các vị ấy “đồng
lai phối hưởng” [Huỳnh Quốc Thắng 2003: 127]. Đặc biệt, khởi đầu cho lễ Vía Bà
là nghi thức Mộc dục (tắm tượng) liệu có liên quan đến nghi thức tắm linga với
các loại nước quý trong nghi lễ của người Chăm ở miền Trung?
Qua những gì đã phân tích, từ diện mạo
pho tượng, danh xưng vị thần, đến kiến trúc ngôi miếu, bày trí thờ tự và cuối
cùng là nghi lễ - có thể thấy những yếu tố văn hóa của cả Ấn giáo lẫn tín ngưỡng
dân gian của người Việt, Chăm, Khmer, Hoa… tập trung trong một ngôi miếu. Hiếm
có ngôi miếu nào có sự dung hợp văn hóa một cách mạnh mẽ và phức tạp như thế -
một ngôi miếu “đa văn hóa”!
5. Thay lời kết
Di dân người Việt buổi đầu khai phá
phương Nam đã chủ động dung hợp văn hóa trong tín ngưỡng dân gian, bởi điều đó
phần nào tạo thêm niềm tin cho đời sống của họ, nhứt là trong khung cảnh Nam Bộ
thời điểm đó. Trước vùng đất dữ, họ đã ứng xử khéo léo đúng như ông bà xưa từng
dạy “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Dẫu những vị thần của các tộc người
lân cận có thể người Việt chưa rõ lai lịch, nhưng họ vẫn tiếp nhận với ước mong
“bách thần” gia hộ bình an trên bước đường “khai hoang trảm thảo”. Điều đó thể
hiện bản lãnh văn hóa linh hoạt của một cộng đồng dân cư trong ứng xử với môi
trường tự nhiên và xã hội một cách hài hòa nhứt có thể.
Đến ngày nay, phải chăng nhờ sự giao
thoa văn hóa mà ngôi miếu và lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam đã thu hút nhiều người đến
từ các cộng đồng khác nhau? Bởi lẽ, “thần thánh của dân tộc khác vẫn là tiêu biểu
cho việc khuyến thiện trừng ác […]. Đã đồng hóa, đã tôn kính rồi thì người bản
địa và người mới đến chẳng ai mang mặc cảm tự ti hoặc tự tôn. Tất cả đều bình đẳng
trước thần thánh” [Sơn
Nam 1991: 35]. Người Việt ở Nam Bộ đã thắt một sợi dây hữu nghị kết nối các nền
văn hóa cùng gặp nhau tại một ngôi miếu chốn biên thùy. Bước vào miếu, dù họ
thuộc cộng đồng nào vẫn sẽ tìm thấy một phần trong đời sống tâm linh của mình.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí
Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, số 2 (188), 2020
& in trong sách Dấu ấn thượng châu thổ, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021)
_______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Huỳnh Quốc Thắng (2003), Lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ,
Viện Văn hóa & Nxb Văn hóa Thông tin.
2. Liêm Châu (2011), Kỳ tích núi Sam, Tập 1, Nxb Văn hóa Văn nghệ.
3. Lý Tùng Hiếu (2015), “Môi trường văn
hóa và diện mạo mới của văn hóa Nam Bộ”, Tạp
chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 18, số X4-2015.
4. Sơn
Nam (1991), “Đình miễu và văn hóa dân tộc”,
Tạp chí Văn hóa và đời sống, số 11.
5. Robert
Redfield, Ralph Linton, Melville J. Herskovits (1936), “Memorandum for the
Study of Acculturation”, American
Anthropologist, 38 (1).
6. Trịnh
Bửu Hoài (2010), Lịch sử xây dựng và phát
triển miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Nxb Phương Đông.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét