Ông cha ta đã đánh lũ cọp ấy thế
nào?
Có người đáp: Nhờ các thầy võ giỏi,
chuyên môn đánh cọp, xuất thân ở các trường võ Quảng Ngãi, Bình Định. Gặp lúc
nước nhà loạn lạc, các thầy chạy vào vùng Cà Mau mà ẩn lánh. Võ nghệ của các thầy
quá đỗi cao cường. Gặp cọp là rượt bắt, nắm cổ đè xuống, nện vào lưng cọp những
quả đấm thôi sơn chẳng khác nào chúng ta ngày nay đánh một con mèo hoặc một con
chó con.
Người khác bảo rằng họ đã từng gặp
mấy ông thầy bùa Xiêm, chuyên môn dụ dỗ cọp. Các thầy Xiêm nằm ngửa dưới gốc
cây, giữa rừng mà thổi kèn, nói đúng hơn là thổi một miếng lá tre. Tức thời cọp
mẹ, cọp con chạy lại, quì xuống hầu hạ, canh gác cho thầy ngủ. Sau khi thức dậy,
thầy Xiêm vỗ về từng con cọp, nhổ vài sợi râu hoặc vài sợi lông để nuôi sâu.
Lông cọp, râu cọp đem về cắm trong một mụt măng tre đang mọc. Vài hôm sau thì ô
hô! Mỗi sợi râu là một con sâu. Tục truyền rằng loại sâu ấy lớn bằng cườm tay,
mặt đỏ hói, mình mẩy vằn vện, có đuôi dài ngoe nguẩy. Nhiều người nuôi nó trong
một cái hũ kín để giữ nhà. Khi có khách đến, con sâu cọp nọ nhảy dựng trong hũ
nghe rổn rổn rồi la hét! Ngoài ra, phẩn của loại sâu này rất lợi hại vì nó là vị
thuốc độc, giết người trong nháy mắt v.v…
Sự thật ra sao?
Cọp U Minh, cọp Gò Quao ngày nay
bị tiêu diệt hoặc bị xua về bên kia biên giới Cao Miên, phải chăng là nhờ các
thầy võ Quảng Ngãi, Bình Định hoặc các thầy Xiêm có bùa phép?
Trả lời câu hỏi ấy, cách hay nhứt
là đến tìm các ông kỳ lão hiện còn sống ở vùng Gò Quao, Trà Ban (Rạch Giá). Mấy
ông nầy nếu không trực tiếp đánh cọp thì ít ra cũng đã thấy và nghe rõ ràng hơn
chúng ta. Vậy xin mời bạn đọc thân mến đến phỏng vấn và nghe trả lời. Đây là cuộc
phỏng vấn ông Tư Bá:
– Thưa ông, ông xuống đây lập
nghiệp từ hồi nào?
– Điều đó không nhớ chắc chắn
ngày, tháng. Nhưng mà mấy cháu nên nhớ: Hồi Tây đánh nước mình, miệt Rạch Giá,
Cà Mau còn hoang vu. Ngoài biển có ghe đánh lưới của người Hải Nam. Còn trong đất
liền có mấy nhóm người Triều Châu, Phước Kiến qua đây từ đời ông Mạc Cửu. Họ ở
gần chợ Rạch Giá, chợ Bạc Liêu bây giờ. Kỳ dư, có vài sốc người Miên ở giữa đồng.
Thưa thớt lắm. Sông Cái Lớn, Gò
Quao này nhiều khi chèo ghe suốt ngày mà không gặp một nhà nào. Nghe nói hồi
Gia Long tẩu quốc, nhiều người cất nhà ở Tân Bằng, Cán Gáo, Rau Dừa, Cái Nước.
Hồi tôi xuống Gò Quao nầy, ở miệt dưới đã có vườn tược, có cau lão rồi. Nhưng
đó là chuyện xa xôi, cách đây một khoảng rừng trên trăm cây số. Nghe nói chớ
tôi chưa từng đi tới.
– Lúc đó miệt Trà Ban này phải
chăng là hoàn toàn không có ai ở?
– Sự thật là vậy. Vài nhà người
Miên ở tận giữa đồng, nhưng họ không muốn làm ăn chung đụng với người mình. Kỳ
dư, bờ sông Cái Lớn này toàn là rừng. Trên bờ có cọp, dưới sông có sấu. Mình
chèo ghe ban ngày, chừng vài trăm thước là thấy sấu nổi trước mũi ghe. Trời chạng
vạng, nghe cọp rống, rung rinh mặt nước. Có lẽ lúc rống, mấy ổng úp mặt xuống
nên có tiếng dội.
– Hồi mới tới cất nhà, chắc cọp
khuấy rối mình dữ lắm?
– Không có! Không có! Mình ngu dại
gì vô rừng già mà cất nhà ở. Cứ lựa mấy vàm rạch nhỏ, chèo ghe vô tuốt trong ngọn
cùng mà cất chòi. Làm như vậy có hai điều lợi. Một là trong mấy ngọn rạch,
không có rừng già. Rừng chỉ ăn dài theo mé sông cái, bề sâu vô chừng hai ngàn
thước. Phía trong toàn là sậy, đế, cây mốp, rừng chồi. Mình có thể phá lớp sậy,
đế ấy để làm ruộng trước, có lúa gạo mà ăn liền. Điều lợi thứ hai là ở xa cọp.
Lúc mới xuống làm ăn, mình cần có sự yên ổn. Hơi đâu mà lo chuyện đánh cọp,
trong lúc mình không rành võ nghệ.
– Ở hẻo lánh như vậy, chắc sợ cọp
dữ lắm. Cọp ưa tìm người mà ăn thịt…
– Vài người lo xa, đốn cây rào
chung quanh chuồng heo. Sợ nhứt là khi mình ra ruộng, cọp lén vào nhà bắt con
nít. Lần đó, cọp tới sân nhà tôi, chạy vòng quanh tìm cách vô nhà. Đứa con tôi ở
một mình. Nghe tiếng động đậy, nó chạy ra sát hàng rào. Cọp ta không phương kế
nào vô trong được nên day lại, thò đuôi vô kẽ hàng rào. Trưa về nhà, nghe con
tôi nói lại: “Ba ơi! Hồi ba đi ruộng, có con chó vện lại đây, thò đuôi vô, con
nắm đuôi mà nó mạnh lắm, kéo ra được, chạy vuột”. Chừng đó, lối xóm ai cũng hoảng
sợ, xây thêm hàng rào chung quanh nhà. Đêm cũng như ngày, hễ nghe động tịnh là
nghĩ tới cọp. Nhưng dân mình gốc ở Hai Huyện, Cần Thơ, Long Xuyên xuống. Ở đó,
đất khai khẩn lâu đời rồi nên phần đông nghe tới cọp là sợ chớ ít ai thấy tường
tận ông cọp lần nào! Có một cô nọ ngồi rửa chén sau nhà, thấy cái tàu mo cau rụng
xuống bèn vụt chạy vô nhà, đóng cửa lại mà la lớn:
– Má ơi! Cọp! Cọp!
Hỏi: Cọp ra sao?
Cô ta nói: “Nó cao lắm, lưng nó
vàng, bụng nó trắng”. Chừng xem kỹ lại tàu cau rõ ràng là tàu cau…
Có bà lão khác ngồi câu cá, sát gốc
cây xộp. Cọp trong rừng men ra chụp một cái. Bà nọ té nhào bên gốc cây. Nhờ vậy
mà cọp chụp hụt. Sau đó cọp chạy cong đuôi vô rừng. Bà ngồi dậy, mở mo trầu ra
ăn rồi lững thững về nhà nói lại: “Bữa nay xui xẻo quá. Câu cá không được con
nào, nhè gặp con heo rừng ra nhát!”
Cả nhà hồ nghi, trở ra gốc xộp mà
xem kỹ, rõ ràng là dấu móng cọp. Kể từ đó thiên hạ bàn tán về cọp, bắt đầu lo
ngại. Có người bàn: Nên thành lập một đội binh để vô rừng đánh cọp. Công việc đầu
tiên là đốn cây tầm vông, vạt nhọn để sẵn. Khi gặp cọp thì đánh trống lên, cả
xóm xách tầm vông tới nghinh chiến. Mới nghe qua, dường như có lý.
Nhưng năm đó, ở rạch Cái Cam
(Phong Điền, Cần Thơ) có người xuống cho hay: Ở xứ tôi, có bày bố như vậy nhưng
thất bại. Gặp cọp, đánh trống lên, ai nấy xách tầm vông chạy tới. Cọp im lặng,
thu hình một chỗ. Thinh không, ổng thét lên. Tức thì ai nấy chạy tán loạn. Có
người thiếu điều đổ ruột vì chạy càn, đụng nhằm ngọn tầm vông vạt nhọn của bạn
mình. Về sau, có người gài bẫy được một ông cọp. Họ đút mũi tầm vông vô miệng cọp
để đâm. Dè đâu, cọp nhai nát như… mình ăn mía!
– Vậy làm thế nào để đánh cọp
không còn sót một con như ngày nay?
– Chuyện đó phải làm lần hồi. Bố
trí một đạo binh đánh cọp không xong, dân xóm nầy mới bày đặt cất miếu thờ cọp.
Đó là ngụ ý: “Chúng tôi là người làm ăn, không dám đá động tới ông, xin ông cứ ở
trong rừng cho chúng tôi được yên ổn”. Cất miếu xong, chạng vạng có người tới đốt
nhang. Mấy hôm đầu, ông cọp đi vòng quanh miếu, đứng nhìn rồi về. Bữa sau, dân
làng đem cúng một cái đầu heo rừng. Cọp mừng lắm. Từ đó xóm riềng được yên.
Nhưng tạo hóa vần xoay, dân miệt
trên xuống đây khai khẩn ngày thêm đông.
Đất giữa đồng đã khai thác hết.
Bây giờ chỉ còn đất rừng sát mé sông, nơi cọp ở. Đó là hồi nguy nan nhứt cho
dân mình và cũng cho cọp. Nhiều người làm gan, cất nhà sát mé rừng. Ban đầu đôi
ba nhà, sau năm mười nhà. Họ thấy ở gần mé sông tuy là nguy hiểm nhưng có nhiều
huê lợi khác: ăn ong, làm rẫy. Một công rẫy trúng mùa được tới một trăm hai chục
giạ khoai lang. Lúc nầy, nhiều người chết vì đi một mình vô rừng, bị cọp chụp bất
thình lình. Họ sắm mác thông, thứ có cán dài, để ứng phó. Nhưng ở chỗ rừng dày,
con người khó bề xoay trở để tấn thối!
Thời thế tạo anh hùng. Bận đó,
ông thầy Râu (thầy thuốc Nam, vì có râu dài nên gọi là thầy Râu) có đứa con gái
bị cọp vồ. Tức mình, ông cầm mác rượt theo tận giữa rừng, chém cọp rớt một cẳng.
Tư Ngạn bị cọp cõng mất một con heo nái. Chú rượt theo, cầm cự với cọp suốt buổi
trưa. Nhờ lối xóm tiếp cứu nên mới thoát nạn. Từ đó về sau, chú ưa uống rượu, cặp
mắt luôn luôn đỏ ngầu.
Kinh nghiệm là không nên đánh cọp
nơi chật chội, tư bề có cây cối. Cọp sợ người, bằng cớ là ở giữa đồng trống,
mình cầm mác, thét lớn là cọp chạy mất. Vì vậy, khi dân mình phá động rừng, cọp
tản mác, kiếm nơi khác mà hùng cứ. Rạch Cái Bần nầy lần hồi còn sót lại được
ông Mun.
– Tại sao ông Mun dám ở lại?
– Vì ổng thuộc về loại cọp già,
đã từng chống chọi nhiều phen với loài người. Cọp nhỏ thì đi. Cọp già ở lại. Thứ
già là thứ dữ. Mỗi rạch chỉ còn sót lại một hai ông. Dân trong xóm đều quen mặt
nên đặt tên. Có hai ông. Ông Vện với ông Mun. Vện là cọp đực, Mun là cọp cái.
Trời đất dành riêng cho đôi cọp nầy
số phận riêng. Trước hết, xin nói về ông Mun.
Thường ngày, ông Mun tới lui vàm
Xẻo Gừa – một xẻo nhỏ, nước cạn, ít ai tới lui. Tại vàm Xẻo, có cây gừa to, “nhỏ
gừa” (rễ thòng xuống) buông xuống hàng trăm cọng to bằng cổ tay, bằng cây cột
nhà. Ông Mun ngủ sát gốc, chung quanh có nhỏ gừa che chở nhiều lớp. Ổng dạn lắm…
Sáng đi, chạng vạng về. Tháng tư năm đó, ổng sanh được bốn con một lần, cũng đều
là Mun hết thảy.
Thật là khủng khiếp, lạ thường.
Xưa nay, cọp sanh một hay đôi là cùng. Đằng này sanh tới bốn con, nội một lần!
Dân làng nhìn nhau lắc đầu, tưởng tượng một ngày kia bốn ông Mun nhỏ lớn lên,
sung sức…
Phải đối xử bằng cách nào?
Bắt bốn ông Mun con chăng? Chuyện
đó rất dễ. Ông Mun mẹ thường đi tìm mồi, để bầy con bơ vơ ở gốc gừa. Nhưng mất
con, ông Mun mẹ sẽ đổ quạu, trả thù, gây nhiều chuyện bất an cho xóm.
Lo xa rồi lại nghĩ gần, ông thầy
Râu, ông Hương Văn Huệ, ông Tri Khách Lừa bày ra một kế: Bắt bớt ba, chừa lại một.
Thi hành xong, ba ông mua nhang
đèn về, dựng bàn trước nhà mà khấn vái:
– Xin trình cùng ông Mun được
hay: thói thường xưa nay một mẹ thì một con. Đằng này, ông sanh tới bốn con.
Dân làng chúng tôi lo sợ nên thừa lúc ông đi vắng, có tới xin bớt ba con, chừa
lại cho ông một con. Như vậy, không mích lòng ông mà cũng không hẹp bụng chúng
tôi…
Ông Mun về ổ, thấy mất con, gầm
thét rồi vài hôm sau dẫn đứa con còn lại đi mất.
– Bây giờ làm sao để nuôi ba ông
cọp con nọ?
– Cọp con hiền lắm, mình mẩy mềm
mại, bò tới bò lui, cái lưng uốn éo như con mèo lớn. Tối ngày, mấy cậu cứ đòi sữa.
Biết được chuyện ấy, mấy người đàn bà động lòng, xúm xít lại đặt mấy cậu nằm giữa
bộ ván; ai nấy ngồi vòng quanh mà dòm ngó cho mãn nhãn. Các cậu đánh hơi rồi từ
từ bò ngay lại người đàn bà nào có sữa để đòi bú. Bà chủ H. cho bú thử. Kết quả:
vài ngày sau vú sưng lên làm độc đau sứt núm vú. Bấy giờ, thiên hạ càng lo ngại.
Sau cùng, họ chở ba cậu ra chợ Rạch Giá để nạp cho quan Phó chủ tỉnh. Ông Phó
tên “Quít-xy” thưởng cho hai mươi lăm đồng bạc trắng, ổng đem cọp con về bên
Tây nuôi.
– Còn ông Vện?
– Ông Vện có lẽ là chồng ông Mun,
cha của mấy cậu nọ. Phải chăng vì già nua, bịnh hoạn mà ông Vện không theo vợ,
theo con? Buổi sáng đó, người ta thấy ông Vện nằm dài trên bờ rẫy, sát mí rừng.
Ban đầu ngỡ là ông ngủ trưa. Chừng mặt trời lên cao, ngạc nhiên làm sao, ông vẫn
nằm ì không nhúc nhích. Thiên hạ xúm lại gần, lấy đất chọi thử, rồi lấy cây dài
mà thọc, chừng đó mới biết ổng chết. Họ thui râu ổng, rồi lấy thước đo: ổng dài
một thước sáu. Người khác đòi khiêng lên cân thử, mấy ông kỳ lão cản ngăn, cho
rằng làm như vậy là quá khinh thị, mạt sát kẻ đã chết…
Rạch Cái Bần không còn cọp nữa. Mấy
rạch khác cũng thưa cọp. Lần hồi, ghe xuồng đi thông thương ngày đêm, từ ngọn
Cái Cau đến vàm sông Cái Lớn. Câu hát thời xưa:
U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường,
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp
đua không còn nữa. Ghe xuồng, tàu bè tấp nập, sấu phải lui về vàm biển. Cũng thời
câu hát xưa, thiên hạ sửa lại như vầy:
– Đường đi Rạch Giá thị quá sơn trường,
Gió rung bông sậy, dạ buồn nhớ ai…
Bông sậy chỉ trổ nơi rừng đã khai
phá thành rẫy. Lòng dạ con người thơ thới hơn. Không còn sợ cọp, sợ sấu. Họ rảnh
trí mà ngắm cảnh nhớ tình. Nhớ ai bây giờ? Trai nhớ gái. Vợ nhớ chồng. Người
nay nhớ công ơn người xưa đã đánh cọp để tạo lập nên làng, nên xóm. Họ không phải
là thầy nghề võ, thầy bùa.
Chẳng qua là họ muốn sống nên phải
ráng sức cùng nhau, mỗi người ráng một ít.
Sự thiệt về chuyện đánh cọp Gò
Quao là vậy.
Nó dễ mà khó, khó mà dễ. Người
đánh cọp thời đó không bao nhiêu, tên tuổi của họ không cần bảng đồng bia đá. Vậy
mà về sau nầy có không biết bao nhiêu người tự xưng là thầy đánh cọp thời xưa để
hát thuật Sơn Đông, bán thuốc trật đả hoặc bán bùa Xiêm để dụ dỗ gái tơ. Thiệt
đáng trách biết chừng nào.
SƠN NAM
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét