Đình Chợ Thủ là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao ở tỉnh An Giang, tọa lạc tại xã Long Điền A, huyện Chợ Mới. Ngoài những nét đặc trưng giống như bao ngôi đình khác ở Nam Bộ, đình Chợ Thủ còn có nhiều điểm khác biệt mà gần đây xuất hiện những ý kiến phê phán và đề nghị phải thay đổi [Lục Tùng 2016]. Tuy nhiên, dưới góc độ tiếp cận văn hóa học, vận dụng các lý thuyết nghiên cứu cụ thể, bài viết nầy xin góp thêm một số góc nhìn khác về những điểm đặc biệt ở đình Chợ Thủ.
1. Bài vị Đại tướng quân
Tại bàn thờ Trăm Quan Cựu Thần trong
đình Chợ Thủ có hai bài vị viết chữ Hán là “Tiền
Vãng Thần Vương Lực Đại Tướng Quân” và “Vô Kính Quan Đô Đại Tướng Quân”. Người
địa phương cho biết, hai bài vị nầy thực chất chỉ là một người. Gần đây
có ý kiến cho rằng đó là một nhân vật “bất hảo” dười thời trấn Vĩnh Thanh (1808
- 1832) triều Nguyễn.
Tuy nhiên, đối với người dân quanh
vùng, họ lại truyền rằng nhân vật nầy là vị tướng tử trận trong thủy chiến Doi
Lửa (một địa danh xưa tại địa phương) chống Xiêm xâm lược năm 1834, dưới trướng
danh tướng Phạm Hữu Tâm. Ông Ngô Minh Cảnh (Hương văn đình Chợ Thủ) và ông Phạm
Bỉnh Trứ (cao niên làng Long Điền) kể rằng vị tướng nầy nhiều lần hiển linh,
nên người dân lập miếu thờ tại Doi Lửa và tôn là Đại Tướng quân. Về sau miếu bị
lở, người dân đưa bài vị vào thờ trong đình làng. Câu chuyện nầy đã lưu truyền ở
Long Điền qua nhiều thế hệ và hiện nay còn nhiều người biết.
Theo đó, vị tướng nầy không phải là
nhân vật “bất hảo” thời trấn Vĩnh Thanh, vì trấn nầy chỉ tồn tại đến năm 1832
thì trở thành tỉnh An Giang, trong khi ông lại được thờ phượng sau cuộc kháng
chiến chống Xiêm năm 1834. Hiện nay, hai bên bàn thờ còn có câu đối: “Vị quốc
tinh trung sanh tướng Việt / Vong khu chánh nghĩa tử thần Nam.”
Trong các ngành khoa học về văn hóa,
quan điểm phản thực chứng luận cho rằng
văn hóa cần được diễn giải dựa trên sự thấu hiểu của chính chủ thể, hơn là dựa
trên sự đánh giá từ bên ngoài của khách thể. Theo B. Malinowski, mục tiêu cuối
cùng của nhà nghiên cứu là “nắm bắt cách nhìn nhận của người bản địa, mối quan
hệ của họ với đời sống, hiểu được sự nhìn nhận của họ về thế giới của họ” [Bùi
Quang Thắng 2009]. Nói cách khác, thay vì dùng cách nhìn của nhà nghiên cứu chụp
lên văn hóa cộng đồng, thì trái lại việc tôn trọng tri thức của chính họ là điều
rất cần thiết
Có hay không vị tướng chống Xiêm tử
trận năm 1834? Với quan điểm thực chứng
luận, nhà nghiên cứu sẽ chú trọng việc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi nầy
thông qua tra cứu tư liệu, phân tích, đối chiếu… Song với quan điểm phản thực
chứng luận, câu trả lời cho câu hỏi nói trên sẽ không thật sự quá quan trọng.
Theo lý thuyết phân tích diễn ngôn của Michel Foucault, nhiều diễn ngôn được kiến tạo nhằm mục
đích tổ chức và điều chỉnh xã hội. Quá trình nầy bắt đầu từ cộng đồng tạo nên
những diễn ngôn nhằm chuyển tải những quan niệm cụ thể, rồi đến lượt mình, các
diễn ngôn lại xác lập tri thức và góp phần kiến tạo cấu trúc xã hội cho cộng đồng
ấy [Phạm Quỳnh Phương
& Hoàng Cầm 2013: 58]. Khi đặt trong mối quan hệ giữa diễn ngôn và tri thức,
vị tướng quân chống ngoại xâm và tử trận là diễn ngôn cho quan niệm về trung
nghĩa, nhằm định hướng con người trong khung xã hội. Điều đặc biệt ở vùng đất
Long Điền là nơi đây thật sự từng diễn ra trận thắng quân Xiêm năm 1834, do đó
nếu nhân vật Đại Tướng quân chỉ mang tính biểu tượng, thì việc xây dựng biểu tượng
nầy nhằm mục đích giáo dục thế hệ sau cũng là điều hợp lý.
Tiếp theo là quá trình “chuẩn hóa”.
James Waston với lý thuyết chuẩn hóa
cho rằng các tín ngưỡng “ngoài hệ thống” sẽ phải điều chỉnh để hòa vào dòng chảy
chung của hệ thống tín ngưỡng được nhà nước công nhận, quá trình đó có thể làm
tiêu biến các tín ngưỡng nhỏ lẻ để nhập vào tín ngưỡng lớn hơn [Nguyễn Ngọc Thơ 2017: 125-126]. Chúng
ta có thể thấy rõ ràng hiện tượng nầy do trường hợp Đại Tướng quân ở đình Chợ
Thủ, một vị thần trong ngôi miếu nhỏ đã được “chuẩn hóa” để đưa vào thiết chế
mang tính quan phương là đình làng.
2. Tấm hoành phi và bức trướng lạ
Chánh điện đình Chợ Thủ có tấm hoành
phi “Phật quang phổ chiếu”, khiến một số ý kiến cho rằng đình là nơi cúng thịt
lại treo câu của nhà Phật là không phù hợp. Thực ra bốn chữ nêu trên chỉ là một
phần trong thông điệp mà người Long Điền xưa gởi gắm. Bởi, hai bên trái và phải
của tấm hoành phi nầy còn có hai tấm hoành phi nhỏ với những chữ “thần minh” và
“vô tư”. Khi kết hợp lại cả câu hoàn chỉnh sẽ là “Thần minh Phật quang phổ chiếu
vô tư” (ánh sáng thần Phật soi rọi không phân biệt). Do câu có tám chữ, nên bốn
chữ “Phật quang phổ chiếu” phải nằm ở vị trí giữa so với bốn chữ còn lại là điều
tất nhiên. Vì thế, việc tách bốn chữ “Phật quang phổ chiếu” ra khỏi cấu trúc
câu để phê phán là thiếu thuyết phục.
Không những vậy, trong lễ Kỳ yên của
không ít đình làng ở đồng bằng sông Cửu Long có mời cả chư tăng Phật giáo Bắc
truyền vào đình tụng kinh cầu an, đó cũng là lễ hội cúng thịt lại có nhà sư tụng
kinh Phật giáo thì sao?
Hiện tượng nầy là hỗn dung văn hóa. Với
mong mỏi thể hiện niềm tin và ước vọng, người dân mạnh dạn bỏ qua những góc
nhìn thuần lý thuyết, sẵn sàng thu nhận các yếu tố văn hóa khác nhau và linh hoạt
xử lý chúng một cách dung hòa trong khuôn khổ có thể. Đã là lễ Kỳ yên mong thần
ban bình an, nhưng vẫn tụng kinh cầu Phật ban bình an một lần nữa. Đã có những
hoành phi tán tụng thần, lại sẵn sàng treo hoành phi ca ngợi Phật pháp. Suy
nghĩ của dân gian đơn giản là mong mỏi những điều tốt lành nhứt đến với cộng đồng,
thần Phật hay anh hùng lịch sử là những đối tượng có thể đáp lại mong mỏi đó,
nên người dân trân trọng tất cả mà không bàn xét rạch ròi về lý thuyết. Hiện tượng
nầy một lần nữa nhắc lại quan điểm phản
thực chứng luận vừa giới thiệu ở trên.
Chúng tôi vận dụng lý thuyết giải cấu trúc của Jacques Derrida vào nghiên cứu văn hóa, bóc tách các cặp
đôi đối lập nhằm giải mã những ý nghĩa đằng sau chúng [Trần Quang Thái 2011: 62].
Với trường hợp đình Chợ Thủ, qua hiện tượng bên dưới là bàn cúng rượu thịt
- bên trên là câu ca ngợi Phật pháp, chúng ta sẽ có một góc nhìn khá thú vị về
phương thức tư duy của cộng đồng. Người dân chấp nhận giết heo để tế thần nhưng
dường như họ còn một chút “kiêng dè”, nên hoành phi “Phật quang phổ chiếu” như
một sự an ủi, nhắc nhở, hướng thượng và hướng thiện về tâm linh.
Ngoài ra, chánh điện đình Chợ Thủ có
treo bức trướng “Chúa Xứ Thánh Mẫu”, khiến cũng có ý kiến cho rằng bất hợp lý
vì đình làng là nơi thờ Thành Hoàng chứ không phải miếu thờ Mẫu. Song, Ban Quý
tế đình Chợ Thủ kể rằng bức trướng được người dân tặng cho đình đã khá lâu, khi
đó đình chưa có nhiều vật phẩm trang trí nên đã treo lên, vừa để tăng thêm phần
ấm cúng cho nơi thờ tự, vừa không nỡ phụ lòng người tặng.
Ngoài ra, trước đình có miễu nhỏ thờ
Bà Chúa Tiên - Bà Chúa Ngọc, có thể xem là biến thể của Bà Chúa Xứ. Bởi, vị thần
Pô Inư Nưgar là mẹ xứ sở trong văn hóa Champa, được người Việt tiếp nhận và gọi
là Thiên Y A Na hay Thiên Y Tiên Nương rồi biến đổi thành nhiều hình thái Mẫu
thần khác như Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Thượng Động Cố Hỷ… Do vậy,
nếu dân gian có tôn Bà Chúa Tiên - Bà Chúa Ngọc mỹ tự Chúa Xứ Thánh Mẫu cũng
không phải bất hợp lý.
Chúng ta cần lưu ý, thời xưa nhiều
người thông thạo chữ Hán hơn hiện nay. Các cụ trong Ban Quý tế buổi đầu chắc hẳn
hiểu rõ nghĩa những dòng chữ “Phật quang phổ chiếu” và “Chúa Xứ Thánh Mẫu”. Nếu
chúng không hợp lý sao các cụ vẫn treo trong đình? Điều đó ắt hẳn có căn
nguyên, nếu chưa thể lý giải chính xác, chúng ta không nên vội phê phán. Mặt
khác, về tâm linh, dân gian kiêng bỏ hoặc hủy vật phẩm thờ cúng, nên dù có thể
“tréo ngoe” họ vẫn gìn giữ.
3. Những thay đổi về tên đình
Tú Điền xưa và Long Điền nay là địa danh hành chánh, còn Chợ Thủ là địa danh dân gian - một bên thể hiện ước mơ, một bên thông báo vị trí. Cả hai đều là sản phẩm văn hóa do cộng đồng sáng tạo, nên được tôn trọng như nhau. Chúng ta chọn Long Điền làm tên xã như hiện nay, không có nghĩa là tên gọi Chợ Thủ thấp kém.
Nếu xét về mặt lịch sử, địa danh Chợ Thủ ra đời trước. Ngày xưa nơi đây có tên Khmer là Kiên Svay (chòm xoài), người Việt đọc trại là Kiến Sai [Sơn Nam 1988: 11]. Về sau chúa Nguyễn Ánh đặt đồn binh tại đây, lấy tên là thủ Chiến Sai (thủ: đồn binh nhỏ), nên ngôi chợ nằm cạnh thủ nầy cũng được gọi là Chợ Thủ. Tên Tú Điền xuất hiện dưới triều vua Minh Mạng, còn tên Long Điền có từ thời Pháp thuộc.
Về tên của ngôi đình, các cụ cao niên
kể rằng từ xưa đình chỉ có tên là đình Chợ Thủ. Tuy nhiên, đình trước đây không
có cổng, năm 1992 người ta xây cổng và ghi là “đình thần Long Điền”. Năm 2000,
tỉnh An Giang công nhận ngôi đình là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh với
tên truyền thống là đình Chợ Thủ.
Gần đây có ý kiến cho rằng tên đình
Chợ Thủ không đẹp, nên thay bằng Tú Điền theo sắc thần hoặc Long Điền theo tên
xã hiện nay. Tuy nhiên, chọn tên nào cho đình, điều đó không quan trọng, quan
trọng là tâm thức cộng đồng. Nhân dân nhớ đến tên nào nhiều hơn và sử dụng tên
nào phổ biến? Ở An Giang nếu nói đình Chợ Thủ chắc hẳn rất nhiều người biết,
nhưng đình Long Điền hay Tú Điền thì hầu như ít ai biết.
Sự thay đổi phải mang tác dụng, nếu đổi
đình Chợ Thủ thành đình Long Điền hay Tú Điền thì sẽ phát huy tác dụng gì hơn
so với hiện nay? Khi đó liệu sẽ có người cảm thấy lạ lẫm và thắc mắc: “Đình
Long Điền là đình nào?” Vậy chẳng phải đổi tên càng phản tác dụng hay sao? Nếu
tên đã do dân chọn, thì ý dân phải được tôn trọng.
4. Vĩ thanh
Làm rõ diện mạo, đặc trưng, bản chất…
là những mục tiêu cơ bản của nghiên cứu văn hóa, song mục đích sau cùng là đúc
kết được quy luật vận hành chung của văn hóa. Tiếp cận văn hóa không chỉ đơn
thuần dựa trên những đặc điểm hiển thị bên ngoài (phần nổi), mà cần diễn giải
những thông điệp ẩn thị bên trong (phần chìm). Người ngoài khi nhìn vào, những
điểm khác lạ ở đình Chợ Thủ dường như “trái khoáy”, nhưng hóa ra đều tồn tại có
quy luật. Chúng đã đáp ứng nhu cầu của chủ thể văn hóa và phát huy giá trị
trong môi trường văn hóa đang hiện diện.
Tuy nhiên, những thực hành văn hóa có
giá trị với cộng đồng nầy không hẳn cũng có giá trị với cộng đồng khác, vì thế
chúng ta không thể yêu cầu chúng phải phát huy giá trị với tất cả mọi người.
Quan trọng là chúng đã tạo nên sự khác biệt giữa các cộng đồng với nhau và góp
phần giúp các thành viên trong cộng đồng nhận diện nhau. Do đó, chúng ta chỉ có
thể hiểu thấu đáo ý nghĩa của một thực hành văn hóa bằng cách tiếp cận từ thế
giới quan của người trong chính cộng đồng đó.
Trong mỗi cộng đồng, văn hóa được “sống”
bởi chính các thành viên của cộng đồng ấy. Quá trình mỗi thành viên được nhập
thân văn hóa để chia sẻ những tri thức bản địa được lưu truyền qua nhiều thế hệ,
cũng là quá trình họ góp phần kiến tạo bản sắc cộng đồng. Có coi trọng việc nắm
bắt được ý nghĩa bên trong của thực hành văn hóa dựa vào sự thấu hiểu của chính
chủ thể văn hóa, người nghiên cứu mới có thể lý giải được tri thức bản địa vô
cùng phong phú của các cộng đồng khác nhau.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tập san Đồng Tháp xưa & nay, số 67,
2020 & in
trong sách Dấu ấn thượng châu thổ, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021)
_______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bùi Quang Thắng (2009), “Hành trình vào văn hóa học”, Website Trung tâm Văn hóa học Lý luận & Ứng dụng (www.vanhoahoc.vn), 1/4/2009.
2. Lục Tùng (2016), “Điên lòng với đình thần Long Điền”, Báo Lao động, số 214, ngày 13/9/2016.
3. Nguyễn Ngọc Thơ (2017), Giáo trình văn hóa Trung Hoa, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM.
4. Phạm Quỳnh Phương & Hoàng Cầm chủ nhiệm (2013), Một số khuynh hướng lý thuyết nghiên cứu văn hóa và các hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, Đề tài cấp bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội.
5. Sơn Nam (1988), Lịch sử An Giang, Nxb Tổng hợp An Giang.
6. Trần Quang Thái (2011), Chủ nghĩa hậu hiện đại: Các vấn đề nhận thức luận, Nxb Tổng hợp TP.HCM.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét