Đức Cố Quản cơ Trần Văn Thành vẫn lẩn khuất trong
hàng ngàn anh hùng hào kiệt. Những dòng sử về Đức Ông vẫn chìm lắng trong hàng
trăm ngàn trang sử của dân tộc...
Học trò được nhắc nhớ hãy đọc về Quản cơ Trần Văn Thành trước khi đi thực tế. Học trò có thấy một cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, có thấy một vị anh hùng mở những trại ruộng rèn binh khí chống giặc. Rồi những cuộc khởi nghĩa khác, những trận đánh khác, những chiến công, những hiển hách của quá nhiều những vị anh hùng khác tràn đến. Học trò thấy đánh đấm nhiều lắm, anh hùng nhiều và xa xôi như những vì sao ở tuốt trên cao, nhìn thấy đã mỏi mắt và học trò chỉ thèm ngủ một giấc dài như lịch sử.
Học trò
ôm giấc thèm ngủ về dinh Đức Cố Quản ở Phú Bình. Một tối học trò ngồi vây quanh
người nông dân tên Hai Mưa và những người dân lân cận. Một ai đó nói “Trên đất
Đức Ông, người hiền nhiều nhưng người như Hai Mưa không phải dễ kiếm. Viết gì
đó về anh Hai Mưa đi, một người công đức và khiêm tốn”.
Hai Mưa
xua tay “đừng viết về tôi. Mấy cô chú đi đi, sẽ thấy ngay cả những người ăn mày
ngồi lê lết bên đường cũng rất đáng khâm phục, họ tu tập nhiều lắm, có những
thấu suốt hay hơn tôi gấp trăm ngàn lần. Cô chú hãy tìm hiểu về Đức Ông sẽ thấy
mình chỉ là hột bụi. Trước khi Người xả thân chống giặc, Người đã chia hết điền
sản của mình cho dân nghèo. So với Người, mình chỉ là gì đó còn nhỏ hơn cả bụi
bặm”.
Học trò
hỏi những người đang sống trên mảnh đất mà Đức Ông để lại có nghĩ như anh Mưa
không?
“Tụi
tôi làm chổi bông cỏ, nghèo hơn anh Mưa nhưng cũng sống được. Nhưng dịch khổ
lắm. Mọi nghề đều có tiền trợ cấp chỉ có nghề bó chổi là không”. Từng câu nói,
từng ánh mắt mang nỗi muộn phiền giận dỗi. “Dịch như vậy, mùa lễ ngày giỗ Đức Ông,
mọi người có về không?”. Những ánh mắt chợt lóng lánh một niềm tin. “Chèn ơi cô
hình dung, hàng chục tấn dừa, mấy trăm giạ nếp. Hàng trăm người ngồi gói bánh
tét. Cái nhà ăn này lúc đầu nhỏ xíu. Anh Út nuôi cá nàng hai bên đó đã hiến hơn
một công rưỡi đất làm mở nhà ăn. Từ hồi đó tới giờ ảnh giàu luôn. Đức ông phù
hộ thì khỏi lo no lo đói. Phải về cúng Đức Ông chớ”.
Khi nhắc
về cơm áo gạo tiền, người thấy mình nặng, thấy sự sống vừa chật vật, vừa nghiệt
ngã bạo tàn. Khi hướng dòng suy nghĩ về Đức Ông, người như chạm Thái Sơn và lập
tức bản thân biến hình thành những hạt bụi nhỏ nhoi, nhỏ như chưa từng tồn tại,
như có thể bay, không cần lo lắng giàu nghèo. Hàng chục tấn gạo hay hàng chục
tấn dừa, tấn chuối, rau trái hoa quả được chở tới làm vui cho lễ giỗ Đức Ông
bằng những tâm trạng nhẹ như không.
Những
chị bán cá, bó chổi, trồng rau ngồi lau lá gói bánh hay nấu cơm cho khách thập
phương cũng ở trong một trạng thái không trọng lượng. Trước giá trị thiêng
liêng con người thấy mình không là gì cả. Họ đã hóa thành một hạt năng lượng
không hình dáng, không màu sắc, không quá khứ lẫn tương lai. Những khối vô hình
trong trẻo đó bay lượn cùng nhau, hòa vào nhau trong niềm hoan hỉ.
Mỗi
ngày hoặc mỗi mùa lễ, gác lại những trọng trách oằn vai đâu đó ngoài cổng, gác
lại sự cao thấp đâu đó trong cái điện thoại hay trong bóp tiền để sâu dưới đáy
giỏ, từng con người đến bên dinh Đức Ông như trở về nơi hoang sơ nhất của lương
tâm. Là từng người gác luôn những cuộc gồng gánh mang tên “không dám ngủ”,
“không dám thở”, “không còn thời gian để ăn”… Họ gác luôn những tháng
ngày chật vật với dòng năng lượng ít ỏi đang vận hành cuộc toan tính mưu cầu.
Gác luôn những đời sống mà từng cái lá rau, từng hạt cơm trắng cũng trăn trở
bởi nó nhiễm nặng phân bón, thuốc trừ sâu.
Những
cái núi đá khổng lồ mang câu hỏi “ăn món gì cho khỏe”, “đi phương nào cho tươi
tỉnh”, “ngắm thắng cảnh nào cho hả hê” được hạ xuống nhẹ nhàng. Về dinh Đức Ông
là về lại những khoảnh khắc tan biến chính mình. Những khoảnh khắc cái tôi được
miễn trừ phận sự. Nụ cười hay không nụ cười đều không quan trọng nữa. Những
phút giây được giải phóng, tâm trạng được tự do từng lá rau, từng sợi bún được
nấu nướng bằng một trạng thái nhẹ tênh bay bổng.
Vậy
rồi sau một giấc bay bên cạnh Thái Sơn mang tên người anh hùng vô sản, người
người trở về đời thường ngồi bên cây chổi, ngồi bên những sề cá, nghe tiếng cá
quẫy đuôi, người có trở lại nặng nề không? Hẳn là có. Nhưng song hành cảm giác
đó hẳn ai cũng nhớ về một giấc thức được biến hình, được vỗ về như một sinh
linh mới tượng hình. Lòng người cảm thấy chỗ dựa tâm linh là hằng hữu. Mình cứ
sống đi, cứ trôi đi giữa dòng sân si nồng nhiệt, lúc nào cạn kiệt, lúc nào mỏi
mòn đã có chốn quay về.
“Cô
chú ở đây đi sẽ thấy vui lắm, ở đây người ta có thể chết vì mãn phần chớ không
bao giờ sợ chết vì đói. Ăn cao lương mỹ vị thì không có, chớ cơm chay ngày ba
bữa no ấm tới già cũng có người lo. Bệnh cũng có người lo. Mà có chết, chuyện
hòm rương mồ mả cũng khỏi phải bận lòng”. Anh Hai Mưa đang nói về một miền quê
nghèo bên bờ sông Hậu nhưng người nghe cứ tưởng nói về chốn thần tiên nào đó.
Học trò
oằn vai nợ đời, nợ chữ nghĩa áo cơm ngắm những dòng “bụi” đang cắm cúi nói
cười, ì xèo nhưng không trọng lượng trên đất Đức Ông bỗng thấy đời thong dong
và mọi nợ nần dường như tan biến. Đức Ông là ai mà mầu nhiệm vậy? Học trò lật
lại tên ông trong sách sử, lật lại cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Đức Cố Quản cơ
Trần Văn Thành vẫn lẩn khuất trong hàng ngàn anh hùng hào kiệt. Những dòng sử
về Đức Ông vẫn chìm lắng trong hàng trăm ngàn trang sử của dân tộc. Người như
vì sao giữa bạt ngàn sao trên nền trời xa vời sâu thẳm.
Nhưng
ở đây, người anh hùng với một thực thể vật chất ràng ràng đã làm một cuộc hóa
thân từ có sang không, từ giàu sang thành vô sản, không có cả nấm mộ nhưng lại
trường sinh trong tâm tưởng của vạn kiếp người. Không có cái chết của Đức Ông,
chỉ có hồn thiêng trường tồn cùng tổ tông sông núi. Khi tâm hồn học trò chạm
được cõi anh hùng thì chợt nhận ra vì sao kia không còn là một anh hùng nữa.
Một chấm nhỏ của lịch sử đã hiển thánh, đã mở ra một cõi thiêng liêng, mở một
bến dừng, bến sống chậm, bến hóa thân cho những đời người đang chìm nổi giữa
dòng sân si mờ mịt.
“Cô
chú thắp nhang cùng Đức Ông đi. Ngủ bên dinh Đức Ông giấc ngủ bình an. Mơ ước
điều gì cứ nghĩ về điều đó, đừng sợ hãi. Bởi mơ ước như hột giống, mình gieo
hoài thế nào cũng gặp miếng đất tốt, cũng gặp mưa gió thuận hòa để giống nó lên
cây, ra trái. À Đức Ông không dạy tôi những điều đó. Khi tôi bươn chải
nhiều, mù mờ nhiều rồi tôi mới về đây làm hột cát bên cạnh Đức Ông, không bon
chen này nọ, tôi bình tâm nhớ lại mọi thứ đã qua rồi tự nhận ra những bài học
như vậy cho mình, cho con cháu sau này”.
Học
trò ngồi bên dinh Đức Ông, nhìn cây gáo trên sân dinh đã đứng đó suốt mấy trăm
năm, suốt từ thời Đức Ông còn sống cho tới bây giờ, nhìn dòng người lưu truyền
tâm tưởng cha ông của họ đang nói cười thanh thản, học trò như nghe trầm tích
lịch sử trở mình. Bên tai như nghe tiếng bước chân của tiền nhân lần dò trên
những bãi lầy châu thổ. Trước mắt như thấy những dáng người áo nâu lam lũ đội
trời đạp đất mở cõi phương Nam. Miệng như vẫn còn nghe được vị ngọt của hạt lúa
trời trôi dập dềnh trên con nước tràn đồng mùa lũ. Học trò nhận ra lịch sử
không phải xa xôi như những vì sao.
Lịch
sử chảy rất gần, chảy trong chính dòng khí quyển mà học trò đang thở.
VÕ DIỆU THANH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét