Một ngày, bạn lang thang dăm ba ngõ ngách trong thành phố nhỏ, chợt nhận ra mấy ngã đường quen như đang bừng tỉnh với những gam màu vàng đỏ nổi bật từ các gian hàng. Chúng nô nức rủ nhau nhuộm lên cho chiếc áo đô thị thêm phần rạng rỡ. Trải dài bên bờ sông đổ dọc theo lòng phố, cả một con đường hoa kiểng xanh tươi đang trổ những nụ mới. Thỉnh thoảng, một chiếc xe lướt qua, chở theo một chậu mai đợi ngày nở rộ. Vậy là một năm mới đang về.
Tết đang về một cách
thầm lặng và tự nhiên, bắt đầu từ những làn gió se se tháng Chạp. Cái nắng hanh
hao thường ngày của miền nhiệt đới nhường chỗ cho màu nắng vàng tươi ấm áp và
trong lành. Bao người con xa xứ đổ xô về quê, khiến cho thành phố hằng ngày ồn
ào mà nay bỗng dưng bình lặng đến lạ, và cũng rất đỗi thân thương đến lạ.
Khoảnh khắc nhỏ giữa một
ngày “năm cùng tháng tận”, trong tiệm vàng mã khép nép bên vệ đường, có lẽ cũng
là một mảnh ghép thân thương như thế.
Bà cụ khập khiễng từng
bước đi vào tiệm vàng mã. Nhìn mái tóc đã trắng gần hết và làn da nhăn nheo, dễ
đoán chừng bà đã ngoài bảy mươi tuổi. Trên người bà mặc bộ quần áo đã chi chít
những vết thâm. Chiếc nón lá trên đầu cũng không còn được nguyên lành. Sau khi
mua một số đồ cúng cần thiết cho mùa Tết, bà nói với cô chủ tiệm:
“Con lựa bộ đồ đẹp đẹp
cho thằng nhỏ nghen, để nó có cái mặc Tết với người ta, nó đừng có tủi.”
Cô chủ tiệm có lẽ đã
quen thuộc với bà cụ, nên không cần hỏi han gì thêm mà lặng lẽ đi vào trong lấy
đồ, chỉ có những người khách xung quanh nhìn bà với ánh mắt lạ lẫm. Dường như đọc
được những ánh mắt ấy, hoặc có thể chỉ đơn giản là muốn tìm một sự chia sẽ - dù
nhỏ thôi - khi chạm đến nỗi đau quá lớn của mình, bà cười hịch hạc giải thích:
“Thằng con tui chết hồi sáu tuổi, nếu còn sống
thì bây giờ cũng ngoài bốn mươi rồi.”
Bạn tự hỏi, trước khi
tiếng cười đó cất lên, bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi xuống?
Có thể ai đó sẽ thắc
mắc, khi mua bộ quần áo Tết cho “nó đừng có tủi”, bà cụ lựa chọn bộ đồ dành cho
đứa trẻ lên sáu hay bộ đồ dành cho người đàn ông trung niên? Điều đó dường như
không quan trọng nữa. Trong lòng bà, không còn đứa trẻ lên sáu, không có người
đàn ông trung niên, và bốn mươi năm đằng đẵng lại càng không. Thời gian đã chết
từ ngày đó!
Chỉ có con bà vẫn còn
hiện hữu. Mãi mãi. Duy nhứt hình bóng ấy đồng hành với cuộc đời chìm nổi của bà.
Tiếng gọi “má ơi” sau mỗi chiều đi chơi cùng lũ bạn trở về, cất lên như mới hôm
qua. Cũng phải thôi, suốt bốn mươi năm, tiếng gọi mỗi chiều ấy chưa một ngày tắt
lịm. Giờ nầy, chắc “thằng nhỏ” đang ở nhà đợi mẹ đi chợ về, nôn nao đón bộ quần
áo mới từ tay mẹ. Để rồi khi những mảnh giấy xanh đỏ sáng bừng trong ngọn lửa
cuối năm, đứa con của bà sẽ tung tăng cùng lũ bạn trong bộ đồ Tết tuyệt đẹp do
mẹ mình vừa sắm.
Bà cụ khắc khổ ở tuổi
xế chiều, có lẽ chưa bao giờ biết rằng nhà thơ Chế Lan Viên từng viết câu: “Có
một người nghèo không biết Tết / Mang lì chiếc áo độ thu tàn.” Nhưng bà biết,
con mình cần có Tết! Trong thâm tâm người mẹ, bà vẫn mong đứa con bé nhỏ lạc
loài ấy có một bộ quần áo tươm tất những ngày đầu xuân, rồi thằng bé cũng có một
cái Tết vui tươi như bao bè bạn, không phải trở thành “người nghèo không
biết Tết”.
Dễ hiểu thôi mà, ai
cũng có Tết!
Trên con đường trống
trải trước tiệm vàng mã, những chiếc xe vẫn lướt qua với bao chậu mai đang nở
những cánh hoa hàm tiếu, màu vàng tươi như lời chào mời một năm mới bình an. Không
bao lâu nữa là Giao thừa, ai ai cũng tranh thủ trở về gia đình, chuẩn bị cho
đêm đoàn viên. Còn bà cụ, chắc hẳn trong giấc mơ đẹp đẽ đêm cuối năm, bà cũng sẽ
được “đoàn viên” với đứa con bé nhỏ ngày nào.
“Bộ đồ má sắm đẹp
không con?”
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 3,
2020)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét