Vùng Thất Sơn ở tỉnh An Giang được
xem là vùng đất kỳ lạ, xét trên nhiều góc độ.
Về địa lý, đó là nơi có những cụm núi lẻ loi, rời rạc, đột khởi giữa đồng bằng. Tây Nam Bộ là vùng sông nước với đặc điểm là đất trũng thấp và nhiều kinh rạch, do vậy núi non mọc giữa đồng bằng trở thành hình ảnh “lạ lẫm” với những gì mà cư dân đã tiếp xúc và quen thuộc, khiến họ xem đây là chốn thiêng.
Về lịch sử, đó là nơi những di dân
hạn chế tìm đến để khai phá vì địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, thú dữ
hoành hành, lại thêm nạn cướp bóc và giặc ngoại xâm ven biên giới… Người tìm đến
nơi đây là những ẩn sĩ lánh đời để tu hành, thành phần bất hảo tìm chốn náo
thân, những chí sĩ tìm căn cứ khơi dậy phong trào cứu nước…
Về văn hóa, đó là nơi chứa đựng
nhiều hiện tượng tâm linh huyền bí. Trong đó, nổi bật là những tôn giáo bản địa
ra đời và truyền bá ở vùng đất này. Những câu chuyện về bùa phép từ bao đời đã
khiến vùng núi đồi nầy trở nên “nổi tiếng”, thậm chí người xưa đúc kết thành
câu tục ngữ “tu Phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi”.
2.
Vùng đất kỳ lạ ấy khép mình lặng lẽ
bên biên giới Tây Nam suốt bao đời qua. Giữa thế kỷ XIX, nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa
có thời gian bị đày làm lính trấn giữ vùng Thất Sơn và để lại nhiều tác phẩm
trong giai đoạn đó. Qua những câu thơ nầy, người đời nay có thể phần nào hình
dung về miền Bảy Núi thời ấy.
“Mịt mịt mây đen kéo tối sầmĐau lòng thuở nọ chốn Hà ÂmĐống xương vô định sương phau trắngVũng máu phi thường cỏ nhuộm thâmGió trốt dật dờ nơi chiến lũyĐèn trơi leo lét dặm u lâmNghĩ thương con tạo sao dời đổiDắng dỏi đêm trường tiếng dế ngâm.”
(Qua Hà Âm cảm tác)
Những lần đi qua hay ở lại Thất
Sơn vào ban đêm, nhìn khung cảnh cả miền sơn cước chìm vào bóng tối, tôi lại
nao nao nhớ đến bài thơ nầy. Xứ núi về đêm buồn ão não. Có dịp đứng trên núi Cấm
hay núi Tô nhìn xuống bên dưới, con người mới có thể cảm nhận được sự hoang
liêu của miền biên viễn. Trong màn đêm đen kịch, một vài chùm sáng hắt lên từ
các đô thị nửa phố nửa quê, xen kẽ những đốm sáng li ti le lói như điểm thêm những
nét huyền ảo cho bức tranh hoài cổ.
Đứng giữa không gian và thời gian
đặc biệt đó, con người không khỏi trầm tư. Dọc theo miệt Thất Sơn nầy, suốt
hàng trăm năm qua, bao lớp người đã nằm xuống vì chinh chiến. Cảnh mà Bùi Hữu
Nghĩa khắc họa vào thế kỷ XIX cũng chính là cảnh của thế kỷ XX. “Đống xương vô
định sương phau trắng / Vũng máu phi thường cỏ nhuộm thâm”. Và ở xa xa dưới đồng
bằng, những đốm sáng vàng vọt hiu hắt kia, có đốm sáng nào là những “ma trơi” từ
ngàn xưa?
Có lẽ, nét buồn đó là cảm hứng cho
nhiều văn thi sĩ, không chỉ riêng Bùi Hữu Nghĩa. Một thế kỷ sau ông, đến giữa
thế kỷ XX, nhà văn Sơn Nam viết truyện ngắn Dãy
Cô Tô đã miêu tả nét buồn đầy ma mị ấy. Gọi là ma mị vì đó là giai điệu tổng
hòa giữa sự hoang dại của núi rừng, sự rình rập của thú dữ, sự đe dọa của lục
lâm thảo khấu, sự bí ẩn của những nhà tu khắc khổ, thậm chí cả những oan hồn đã
bỏ mình giữa sơn lam chướng khí…
3.
Buồn nhưng đẹp! Trở lại với Bùi Hữu
Nghĩa, chúng ta cảm nhận bức tranh Thất Sơn được vẽ lên bằng hai câu thơ đầy sống
động:
“Giang biên phàm quá cô thôn vũLãnh ngoại xa hồi viễn thọ yên.”
Có nghĩa là, ven sông cánh buồm lướt
qua mưa nơi xóm vắng, ngoài núi xe về trong đám khói trên cây xa. Song, hai câu
ấy nếu dịch ra thành thơ lại rất khó thể hiện đầy đủ những hình ảnh sống động
như trên. Có một bản dịch có thể tạm chấp nhận là: “Mưa pháy bờ sông, buồm lướt
tới / Khói mờ cây núi, bóng xe về”, mặc dầu vẫn chưa chuyển tải trọn vẹn ý thơ.
Hai câu thơ rất đẹp mà cũng rất thật.
Ai đã từng trải nghiệm những cơn mưa ở miền biên giới Thất Sơn sẽ cảm nhận rõ.
Dòng sông được nhắc đến ở đây có lẽ là kinh Vĩnh Tế. Vì dẫu có đứng trên các ngọn
núi cao ở vùng này, tác giả cũng khó có thể nhìn thấy sông Hậu ngoài Châu Đốc.
Ngày nay, ven kinh Vĩnh Tế vẫn còn thưa thớt nhà cửa - vẫn là “cô thôn”, huống
hồ mấy trăm năm trước. Mưa vùng sơn cước khiến nhiều người không khỏi nao lòng.
Thỉnh thoảng, một chiếc xuồng lướt qua màn mưa trên xóm vắng, hay một chiếc xe
xuất hiện mờ mờ từ những hàng cây tầm tã bụi mưa. Đó là những hình ảnh thực tế
rất sống động mà người đời nay vẫn còn bắt gặp.
Nhiều người đã quá quen thuộc với Thiên
Cẩm sơn - “đỉnh thiêng” giữa trời Tây Nam, Phụng Hoàng sơn được mệnh danh là
“núi ngọc” của đồng bằng, hồ Tà Pạ lung linh như tấm gương ngọc bích… Nhưng vẻ
đẹp Thất Sơn đâu chỉ có thế, mà còn cả những nét u hoài trầm lắng suốt bao thế
kỷ qua. Những cơn mưa ầm ào trút xuống sơn lộ, hay những ngày nắng gắt gao, thậm
chí cả mùa nước nổi biến vùng núi đồi trở thành “đảo” giữa đồng bằng, tất cả đều
trở thành những nét cọ rất riêng biệt vẽ nên bức tranh miền sơn cước.
4.
Và điều gì nữa, mang đến cái đẹp
cho vùng Bảy Núi? Đứng giữa những ngọn núi bí hiểm mà quyến rũ ấy, tôi thường tự
đặt câu hỏi: Những sơn dân ngày xưa đã từng làm gì ở nơi đây? Họ để lại những
gì? Và tôi bắt đầu đi tìm những dấu tích của người xưa. Tôi đã thấy, một Thất
Sơn lặng lẽ mà kiêu hùng, thâm trầm in dấu những bước chân kỳ vĩ. Nơi đây được
xem là đất thiêng, một phần vì sự đặc biệt của địa lý, nhưng một phần vì sự hội
tụ của những con người.
Năm 1851, ông Đoàn Minh Huyên -
giáo chủ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương dẫn dắt tín đồ đến khai phá dưới chân núi Kéc.
Năm 1866, ông Tà Pônh - một tu sĩ người Khmer chữa bịnh cho dân chúng và thu
hút tín đồ. Năm 1878, ông Ngô Lợi - giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa dẫn dắt tín đồ
đến khai phá dưới chân núi Tượng. Năm 1902, ông Nguyễn Văn Do lên núi Cấm, xây
dựng Nam Các tự hay Nam Cực đường (chùa Phật Lớn ngày nay) cơ sở bí mật cho Hội
Kín chống Pháp. Năm 1905, Hòa thượng Như Hiển - Chí Thiền từ miền Trung đến trụ
trì chùa Phi Lai dưới chân núi Voi, thúc đẩy chấn hưng Phật giáo và vận động
phong trào yêu nước…
Đó là một số gương mặt nổi bật đã
cống hiến cho Thất Sơn, cùng với vô vàn những con người đã âm thầm cùng nhau
khai khẩn và cày cấy, cùng nhau đi qua thời loạn lạc, cùng nhau xây dựng thanh
bình. Đó là những đoàn binh lính ngăn kẻ thù xâm lược, những đội dân phu đào
kinh Vĩnh Tế, những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương - Tứ Ân Hiếu Nghĩa khai hoang lập
làng… Thậm chí xa hơn nữa, dưới lòng đất biên cương nầy, biết bao dấu tích của
vương quốc cổ Phù Nam mà con người ngày nay chưa khám phá hết. Người Phù Nam đã
sống và chết với những núi đồi hoang dại và linh thiêng thuở ban sơ.
Tất cả những con người xưa và nay
đã khiến cho Thất Sơn kỳ bí càng trở nên kỳ bí hơn. Họ đã cùng với Thất Sơn đi
vào huyền sử.
5.
Vậy đó. Người ta nói Thất Sơn linh
thiêng, xem ra ý nghĩ đó không gì lạ. Bởi kể ra, chính mảnh đất nầy có quá nhiều
điều lạ lùng trong mắt con người. Thất Sơn vừa như những đỉnh cao mà con người
không với tới được, nhưng vừa như những người bạn hiền gắn bó với con người hết
mực thủy chung.
Có người ra đi, có người lại trở về.
Có người tìm đến, có người lại rời xa. Dãy núi huyền bí ấy đã bao dung che chở
cho những thế hệ đi qua dông tố. Thất Sơn vẫn đứng đó thâm trầm, khoan thai, lặng
lẽ. Những tảng đá, những cội cây, những hang động… như đã từ ngàn năm có mặt,
soi mình trước những thăng trầm, thạnh suy, thành bại của cõi người.
Để giờ đây, chúng tôi - những kẻ hậu
sanh tìm về với Thất Sơn như tìm về với cố nhân, vừa quen vừa lạ…
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tạp chí Thế giới trong ta, số 532, 2022)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét