Không biết từ lúc nào tôi thích đọc thơ Trịnh Bửu Hoài. Hình như trong nỗi hoài niệm của anh, bạn yêu thơ sẽ bắt gặp mình trong đó; một khoảnh khắc mùa thu, một giọt sương trong trẻo sớm mai hồng, một chút men say cùng tri kỷ.
Tập thơ “Khúc trăng xưa” của Trịnh Bửu Hoài trang nhã với 33 bài thơ, được tác giả sắp xếp theo ba mảng: Tình em - Hồn của đá - Với bạn bè. Mỗi phần là một nỗi niềm riêng, trải lòng với sự buốt lạnh của cô đơn, chờ đợi; rung động xao xuyến trước hồn của đá nghìn năm thao thức; đằm thắm tình bạn bè mà anh đã đến, đã xa. Mở đầu tập thơ là một lời tâm sự:
Trăng của trăm năm/ Về đây lồ lộ/ Người của hôm qua/ Hư ảo phương nào.
Trăng vẫn về, cảnh vẫn thế, rượu vẫn nồng nhưng: Chiếc ghế lạnh/ Bởi một người không đến được. Trăng lạnh, ghế lạnh hay lòng người buốt lạnh? Sự cô đơn, sự đợi chờ tuyệt vọng để rồi:
Ta vung tay/ Đập trăng/ Không vỡ/ Ta ném ly/ Tan nát trái tim mình… (Khúc trăng xưa)
Ai đó không kịp về hay không thể về? Để mãi mãi trở thành nỗi khao khát, ám ảnh khôn nguôi trong “Giấc mơ xuân” - Em có mơ trăng về cuối Chạp/ Để đêm xuân chợt sáng cánh mai vàng/ Anh vẫn đợi một vòng tay ấm áp/ Đón nhau về trong khoảnh khắc nhân gian. Cái tình anh đeo mang hình như không là thật, chính cũng từ cái hư ảo ấy đã khắc đậm chữ tình của nhà thơ. Yêu - mộng! Bởi vì Người xa như áng mây trôi/ Ta đi tìm mộng giữa trời mông mênh.
Cái bất lực của nhà thơ trước trò chơi trốn tìm của nàng thơ:
Người đi sương khói vô tình/ Mà tôi cố giữ riêng mình khói sương -(Đợi)
Nên tác giả “Khúc trăng xưa” luôn cảm thấy “Trăm năm ta vẫn mình ên bên đời”. Thôi thì anh cứ đợi, vì trăng vẫn về. Không những trăng có tình vì trăng không bao giờ lỗi hẹn, mà đá im lặng nghìn năm qua tay người đá cũng bâng khuâng:
Sen nở từ đá/ Lòng đầy hương thơm/ Chút nắng chiều hôm (Sen ngọc).
Để nhà thơ thao thức: Cõi tình như bóng phù du/ Mà đôi bạn đá thiên thu nụ cười/ Nên ta thương đá hay người? (Đôi bạn đá).
Phần ba của tập thơ, tác giả như giải đáp hết mọi gút mắc của tâm tư mình: Loanh quanh mãi giữa vòng đời xuôi ngược/ Nhắc bạn bè lòng bỗng thấy vui vui. Tất cả sẽ qua đi, tất cả sẽ theo về cát bụi, nhưng tình người không thể nào vơi. Con người có tình, trời đất có tình mặc cho:
Ta xế tuổi thời gian xế buổi/ Người thăng trầm sông lúc đục trong/ Thuyền đi chưa biết đâu là bến/ Đã thấy tràng giang buốt tận lòng.(Ngược dòng Cà Ty).
Mỗi vùng đất ghé lại, một cuộc hội ngộ, tương phùng, mỗi bạn bè mỗi hồi ức đáng yêu. Có thể một người bạn bất chợt ghé qua, một tiếng hát, một nụ cười, một đôi mắt làm chao động hồn thơ… được lưu giữ, được nâng niu:
Quá khứ mênh mông xa rồi một thuở/ Càng xa hơn khi tuổi xế chiều/ Trong nhớ quên còn bao cái để yêu/ Kỷ niệm cứ xanh hoài trong kí ức. (Ngẫu hứng An Hải sơn).
Bèo hợp rồi cũng tan, đó là lẽ thường, nhưng lại là những nỗi trăn trở, ưu tư: Trăng sẽ lặn và mặt trời sẽ mọc/ Các anh đi rừng nhớ biết đâu tìm/ Em như cánh cò làm sao xa tổ/ Bao đợi chờ da diết giữa tràm chim. Xin hãy giấu thương nhớ vào lòng vì:
Rượu đã cạn. Đêm sắp tàn. Trăng lạnh/ Cuộc vui nào cũng đến lúc chia tay/ Rừng sẽ thức. Cánh cò bay đón nắng/ Bóng Trà Sư thăm thẳm trái tim nầy… (Thức giữa Trà Sư)
Trái tim mang nặng chữ tình: Xuôi Nam rồi lại ngược Bắc/ Vẫn chưa đầy túi thơ/ Hơn nửa vai đời kiêu bạt/ Vẫn chưa phai nắng giang hồ (Mang mang Đèo Cả). Dù đi đâu, lang bạt phương nào thì quê hương vẫn thôi thúc gọi về:
Có những chiều đông ngước nhìn mây trắng/ Cái lạnh nơi này gợi nhớ quê xa/ Xuôi sông Hậu cuối mùa nước nổi/ Em bỗng thấy mình hoá hạt phù sa… (Gặp cô gái Tày ở Tây Nam)
Tâm sự cô gái Tày hay tâm sự của nhà thơ nặng gánh tang bồng, nửa đời xuôi ngược vẫn ngộ ra một điều rất thật: Càng lớn lên càng thấy mình nhỏ bé/ Trước nghiệp đời và trước cả nhân gian/ Được mất gì trong cõi dọc ngang/ Chớp mắt đã tới bờ sinh tử.
Suốt tập thơ Trịnh Bửu Hoài đã đem đến cho bạn yêu thơ một “Khúc trăng xưa” đằm thắm tình người, phảng phất một chút hoài cổ mà không phải bất cứ người làm thơ nào cũng thể hiện được tài tình như vậy. Ngôn từ thơ không cầu kỳ, khó hiểu, rất chân tình, rất thật, những con chữ mang đậm tình người cứ lấp lánh suốt nhưng trang thơ. Cốc rượu “Khúc trăng xưa” này không những “làm say tri kỉ” của anh mà còn làm say cả những bạn yêu thơ.
NGUYỄN THỊ ĐỒNG BẰNG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét