Nhà văn Mai Văn Tạo (1924 - 2002) họ tên thật là Nguyễn Thanh Tân, còn gọi là Chín Giỏi. Quê quán ở làng Vĩnh Tế, tổng Châu Phú, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc (hiện nay là phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông đã xuất bản 30 đầu sách, trong đó tiêu biểu như: Hoa lê (truyện ngắn, 1962), Em bé sông Hương (truyện, 1969), Nữ bác sĩ Trinh (truyện ký, 1972), Lại về quê lụa Tân Châu (ký, 1980), Đất nước nghìn chùa (ký, 1986), Làng quê (ký, 1993), Giọt lệ (thơ, 1995), Trong vòng vây hãm (truyện ký, 2000), Đất quê hương (ký, 2001)…
* *
*
An Giang! Từ những
ngày còn là bãi chiến trường ngổn ngang xác giặc Pôn Pốt - Yêng Xa-ry, tôi đã về
đây cùng với nỗi đau, nỗi giận. Trong những cơn lũ lụt hoành hành tràn ngập
mênh mông khắp cả quê hương, tôi cũng đã về tận đầu nguồn chứng kiến cuộc đọ sức
của bà con ta với lũ lụt.
Trước
ngày giải phóng, tôi đã về đây, nhưng chỉ được đi qua, không được dừng lại,
không được ngắm nhìn! Tôi lững thững đi vào đường phố Châu Đốc, Long Xuyên như
một con người nhàm chán mảnh đất đang đi. Như thể kẻ lạc loài trôi dạt. Có đau
xót nào bằng! Đặt chân lên đất quê hương, bóng núi làng xưa phía trước, những
con đường thành phố tôi qua lại suốt tuổi ấu thơ hiện ra ngay trước mắt, vậy mà
tôi phải lẳng lặng đi qua, như con tàu dửng dưng trôi ngang bến lạ. Nhưng dù
chưa phải bến buông neo, con tàu vẫn rúc lên những tiếng còi chào. Còn tôi, đưa
con lìa xứ hai mươi năm, im lìm xuống bến, lên xe. Không được mừng vui, không
được bước chân vào căn nhà cũ, không được reo lên hai tiếng thân yêu: quê mẹ! Kẻ
thù lúc nhúc đầy chợ, đầy đường. Nước mắt tôi nhỏ xuống bến nước Châu Giang,
khi tôi tựa mạn đò qua Cồn Tiên, nhìn lên vàm kinh Vĩnh Tế. Và nước mắt ướt mãi
kính màu suốt chặng đường Châu Đốc - Long Xuyên.
Sau ngày giải
phóng, tôi hối hả về quê, về mãi, không nhớ bao nhiêu lần. Nhưng lần nào tâm trạng
cũng nôn nao, khấp khởi, xao xuyến, bồi hồi. Con chim sải cánh trở lại rừng xưa
sau cơn giông mưa nát tổ. Con cá quạt đuôi quay về bến sông nhà. Người vượt
trùng dương đã ngửi thấy mùi cỏ đất liền sau cơn bão táp đó chăng? Không sao
phân tích nổi tâm trạng mỗi lần tôi về quê mẹ An Giang, mỗi lần đặt chân lên mảnh
đất đầu làng Vĩnh Tế - một làng quê cằn cỗi - nơi tôi cất tiếng chào đời và là
cái bệ phóng đưa tôi ra nhiều nẻo đường đời.
Thông thường
người đi xa trở lại quê nhà hay kể với bà con láng giềng chuyện lạ phương xa.
Riêng tôi về làng, về xứ, lúc nào cũng thích nói cái đẹp, cái lớn quê mình. Có
lẽ vì tôi yêu quê hương thắm thiết, yêu đến độ đam mê như một kẻ si tình yêu cả
cái dở của người yêu.
Tuổi thơ tôi đã
hằn sâu trong ký ức những ngọn núi trông xa lấp lánh như kim cương, lúc xa mờ,
khi xanh thẫm, lúc tím lơ, khi rực rỡ như núi ngọc màu xanh. Những năm tháng xa
quê, giông tố cuộc đời tưởng chừng cuốn bay tất cả, nhưng trong tâm tư tôi những
dòng sông mênh mông vẫn cuồn cuộn chảy, những dòng kinh biêng biếc vẫn lặng lờ
trôi. Tôi yêu những cánh đồng bao la vàng rực ngày mùa, mù mù khói rạ thơm vị
mía lùi và trắng xóa sương mù sau Tết. Yêu cả tiếng chuông chùa ngân thăm thẳm
canh khuya. Tôi yêu ánh nắng chiều tà trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì,
nghiêng nghiêng bên triền núi. Biết bao đêm trăn trở tôi viết bao trang về con
rạch nhỏ cạn lờ chảy qua bến Miễu, cát vàng xâm xấp nước. Tôi yêu màu đá xám
đen, tấm phên xác xơ che nắng cho người đập đá. Tôi nhớ ngọn cỏ phất phơ giữa đồng
nước lớn, cây cà na trái nặng chùm chùm, cây gáo mồ côi, cây gáo đôi im lìm xa
xa ngoài đồng bãi. Như con chiên ngoan mơ về “Đất Hứa”, tôi da diết mong gặp lại
cây đa bến Miễu, cây me già Đá Chẹt, con đường quanh co lồi lõm lên pháo đài.
Tôi nhớ những dòng nước lấp lánh từ triền đá cao ào ào đổ xuống, róc rách len
vào khe đá rồi thong thả bò qua con đường trải đá, chảy xuống xóm làng.
An Giang từ bao
giờ đến bây giờ, cuối thế kỷ 20, là đất nóng, là bãi chiến trường. Bờ cõi An
Giang đời này sang đời khác luôn bị xâm lăng và đẫm máu. Người An Giang thế hệ
này sang thế hệ khác chăm lo làm ăn, luyện rèn võ nghệ, hai việc song song. Nhiều
nhà sư làm thầy dạy võ, mai danh ẩn tích chờ đợi thờ cơ. Sức nặng của nhiều đạo
giáo, sức nặng gươm súng kẻ thù và sự hung hãn của thiên nhiên triền miên đè
nén mảnh đất An Giang. Không cam chịu đứng yên, vùng vẫy thoát ra để giữ yên bờ
cõi là đặc tính truyền đời của người sống trên mảnh đất mỡ màng nhưng cũng lắm
gian nan, cơ cực. Có phải ngẫu nhiên mà bao nhiêu đời qua An Giang độc tôn cây
“lúa sạ”. Một giống lúa diệu kỳ, nước càng dâng cao lúa càng cao hơn nước (Phạm
Văn Đồng). Dòng Cửu Long vượt thác ghềnh, băng băng dồn nước xuống vườn ruộng
An Giang. Nước tràn sóng cuộn ào ạt như Thủy Tinh lên cơn thịnh nộ. Nước cuốn
trôi làng xóm. Nước bứng đi nguyên cả cánh đồng lúa khổng lồ. Không sống khỏe
không vươn cao như cây lúa sạ, đất An Giang có lẽ chỉ còn lả một vùng đất hoang
vu rối mù những cỏ. An Giang đứng ngay đầu nguồn, chịu sóng đập nước xô. Cây
lúa sạ với con người đã sống kiên cường trên mảnh đất sông nước hung hăng. Kinh
Vĩnh Tế như đại trường giang vượt qua ghềnh đá, rừng hoang, gò nổng vươn thẳng
tới Hà Tiên. Kinh Vĩnh An nối liền sông Hậu - Sông Tiền cũng đâu phải chuyện ngẫu
nhiên. Sử liệu còn ghi: “Công trình đào sông này rất khó khăn, nhưng kế giữ nước
và cách biên phòng chẳng nhỏ…”
Bởi lẽ “Châu Đốc
tân cương” là ranh giới hoang rậm xa xôi, thường hay sinh biến… muốn giữ được
ngoài biên, yên trong bờ cõi phải nghiêm đặt doanh đồn dài theo kinh Vĩnh Tế.
Hai dòng nước Vĩnh Tế, Vĩnh An là đường giao thông cấp báo, cứu nguy giữ các
thành Hà Tiên, Châu Đốc với các đồn bảo Giang Thành, Lạc Quới, Tân Châu.
Mồ hôi và máu của
lớp lớp người xưa đã quện lại trên những bờ kinh biêng biếc, trên cánh đồng
xanh um rau quả xuân hè, vàng rộm lúa thu. Có thể nào quên màu xanh cây bát
ngát, màu lúa vàng xao xuyến hôm nay đã trỗi dậy từ những đầm lầy hoang sơ của một
thời xa khốn khó.
Rặng núi Thất
Sơn - niềm kiêu hãnh của An Giang - một bức tranh hoành tráng uy nghi của cả miền
châu thổ Cửu Long. Những ngọn núi chứa đầy thuốc quý và huyền thoại xưa, nay.
Những con đường đèo dốc lưu dấu chiến công. Những thung lũng sum suê cây trái.
Những ngọn đồi, làng xóm ghi biết bao sự tích anh hùng. Hồ Đá, Rừng Tràm, Láng
Cháy, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Cô Tô, Núi Phú Cường, Núi Cấm, Núi Nam Quy, Đồi Tức
Dụp… nơi đó nghĩa quân mài kiếm múa gươm cứu nước thuở Cần Vương. Nơi đó hội tụ
những nhà yêu nước Việt Nam, Cam-pu-chia bàn mưu đánh Pháp. Nơi đó từng đón đưa
các nhà chí sĩ Phan Bội Châu, Thủ Khoa Huân, Bùi Hữu Nghĩa, Cử Trị, Nguyễn
Thông. Nơi đó hai tên đế quốc Pháp, Mỹ hùng hổ nhưng chưa hề chiếm được vùng
núi Thất Sơn. Cho dù tên sen đầm quốc tế Mỹ đã dùng đến biết bao trận bom hủy
diệt.
Lịch sử An
Giang đã viết bằng những cuộc đời lận đận, những số phận bi thương, những tâm hồn
vĩ đại, bằng máu và nước mắt, bằng những lưỡi gươm và cây tầm vông vạt nhọn, bằng
những mũi phi tiêu và cây súng thô sơ. Tới bây giờ tôi được vinh hạnh viết cuộc
đời của mẹ - người mẹ An Giang - bằng cây bút. Hạnh phúc cho người cầm bút biết
bao!
An Giang! Tôi
đang theo từng bước chân của Mẹ, của cha ông gian truân, lẫm liệt. Tôi đang
khao khát nghe “tiếng trống Giang Thành” trong những đêm giặc hãm vây thành cổ.
Tôi muốn thấy lại ánh lửa đồng những đêm Cố Quản Trần Văn Thành luyện tập nghĩa
quân Láng Cháy. Tôi đã về Hồ Đá, An Định, Thới Sơn… tìm những lùm bụi nào các
chí sĩ Cần Vương hội tụ. Chỗ nào Cử Trị ngồi vắt óc làm thơ, Nguyễn Thông dạy học,
Bùi Hữu Nghĩa trấn đồn, làm thơ ngẫm nghĩ sự đời? Tôi cũng đã về Mỹ Luông mấy
lượt đứng bên chân cột dây thép ông Đỏ treo cờ khởi nghĩa năm 1940. Tôi đã qua
Kiến An nhìn tận mắt cái lò rèn của bác thợ Gộc rèn gươm khởi nghĩa. Tôi đã về
làng Vĩnh Tế biết bao lần tìm mộ các anh Dược, Nguơn, Hay, giặc Pháp xử bắn các
anh tại hầm cát cậu Tư Hoài. Tôi trở lại Vĩnh Thông đứng trên cầu sắt nhìn lại
chiến trường xưa. Vệ quốc đoàn diệt gọn một tiểu đoàn Âu Phi trên cánh đồng trống
trải, ba trận liền.
Những cơn gió
chướng man mác đầu mùa gợi nhớ tiếng hát chiến công xưa:
“Ai qua Vĩnh Thông ghé ngang cầu sắt
Có nghe con trẻ hát lanh lảnh về chiều?
Ba phen quạ nói với diều
Vĩnh Thông cầu sắt có nhiều xác Tây…”
Tôi thèm được leo
lên Pháo Đài tìm lại phiến đá nào đã in dấu chân Hoàng Đạo Cật, cùng đồng đội của
anh đánh tung trận địa pháo tầm xa của giặc. Tôi tha thiết muốn biết triền đá
nào chí sĩ can trường Trương Gia Mô đã từ ngọn tháp lao xuống, nhất định không
để sa vào tay giặc Pháp. Tôi muốn tìm lại vang bóng con người đến phút cuối đời
còn làm cho giặc kiếp sợ, nhà cách mạng lỗi lạc Phan Bội Châu nghe tin đã khóc
với những lời thơ thống thiết:
“Em muốn thăm anh chửa kịp vào…
… Máu quốc đầu gành mấy đoạn đau”
Ôi quê mẹ An Giang
nơi nào cũng đẹp, nơi nào cũng rực rỡ chiến tích, kỳ công. Từ mảnh đất quê
nghèo tôi chập chững ra đi khắp nẻo đường đời, khi về đôi chân rắn chắc vì được
luyện qua nhiều miền xa đất nước. Khi đi, từ khung cửa hẹp của ngôi nhà lá nhỏ
tôi ngơ ngác nhìn ra vùng đất rộng bên ngoài với đôi mắt khù khờ. Khi về, ánh
sáng mặt trời những miền đất lạ bao la soi sáng mỗi bước tôi đi. Tôi nhìn rõ
quê hương hơn, thấy được xứ sở mình đẹp hơn ngày khởi cuộc hành trình. Tôi hiểu
được thêm rằng Phật Thầy chùa Tây An là nhà chí sĩ bản lĩnh Đoàn Minh Huyên, mượn
chiếc áo nhà tu che mắt kẻ thù. Tôi lại hiểu đá núi làng tôi là loại đá rắn và
dẻo. Và, trong lòng núi còn có mỏ Mô-líp-đen, một loại quặng quý không thể thiếu
trong công nghiệp luyện kim. Nhưng cái quý nhất vẫn là con người. Con người ở
đây từ xưa đã xem thường lợi lộc, không sợ hiểm nguy và coi trọng sự thanh cao:
“… Bến đá bụi tuông đường danh lộc
Chùa Tây sư để tiếng thanh cao”
An Giang mùa nước đổ 1979
MAI VĂN TẠO
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét