1. Đặt vấn đề
Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam hiện nay được gọi là hệ phái Khất Sĩ, một trong ba hệ phái của Phật giáo Việt Nam, bên cạnh Nam tông và Bắc tông. Đây là một truyền thống Phật giáo mới, ra đời trên mảnh đất Nam Bộ, do Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng vào thập niên 1940. Với tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, Phật giáo Khất Sĩ đã thổi một luồng gió mới vào đời sống Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Đến nay, dù chưa đầy một thế kỷ tồn tại, hệ phái nầy đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ nhanh chóng và lan tỏa rộng khắp.
Qua khảo sát về lịch sử
phát triển, tôn chỉ hoạt động, hệ thống tư tưởng, phương pháp hành đạo… chúng
ta có thể nhận thấy Phật giáo Khất Sĩ đã đóng góp nhiều giá trị mới không chỉ
cho Phật giáo mà còn cho dân tộc. Từ đó, chúng tôi chú ý đến một trong những
khía cạnh nổi bật là vai trò lịch sử của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, đặc biệt ở
giai đoạn hình thành. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam loạn lạc và tình hình tôn
giáo rối ren, hệ phái Phật giáo mới mẻ nầy có những vai trò như thế nào và chúng
được thể hiện ra sao?
2. Sự xác lập tôn chỉ của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang
Để thấy rõ vai trò lịch sử
của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, trước tiên chúng ta cần chú ý đến sự xác lập đường
lối của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, đó là “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”. Lời
tuyên bố ấy tuy ngắn gọn nhưng đóng vai trò rất quan trọng. Nó vừa thể hiện mục
tiêu của hệ phái Khất Sĩ, vừa khẳng định giá trị của giáo pháp Khất Sĩ, đồng thời
là định hướng để đoàn thể Khất Sĩ triển khai hoạt động hoằng pháp. Nói cách
khác, nội dung tư tưởng và hình thức hành đạo của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam suy
cho cùng là hướng về tâm điểm “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”.
Ở góc nhìn xã hội, Đức Tổ
sư xác lập đường lối cho trường phái Phật giáo mới do mình khởi xướng là một
khuynh hướng rất đặc sắc. Bởi, trong bối cảnh Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến
giữa thế kỷ XX, có rất nhiều tôn giáo mới ra đời, nhưng ít có tổ chức đưa ra một
tôn chỉ cụ thể, đơn cử như đạo Cao Đài có tôn chỉ “Tam giáo quy nguyên - Ngũ
chi phục nhứt”. Điều đó cho thấy sự chuẩn bị rất chu đáo của Ngài khi lập giáo
khai tông.
Trong phạm vi tôn giáo, những
biến động thời cuộc đã ảnh hưởng lớn đến Phật giáo. Từ đó, xuất hiện ba khuynh
hướng nổi bật: (1) Phật giáo Bắc tông (Đại thừa) suy thoái và phát động phong
trào Chấn hưng. (2) Phật giáo Nam tông (Thượng tọa bộ) du nhập vào cộng đồng
người Việt, bên cạnh Phật giáo Nam tông có truyền thống lâu đời của cộng đồng
người Khmer. (3) Các tôn giáo mới ra đời, xuất phát từ Phật giáo hoặc ít nhiều
chịu ảnh hưởng Phật giáo, do hàng ngũ cư sĩ khởi xướng. Điều thú vị là cả ba xu
hướng nầy đều xuất hiện ở Nam Kỳ.
Trước thực trạng đó, Đức Tổ
sư nhận xét: “Đạo Phật lâu nay ví như cái bát bể chẳng nguyên lành, giới luật
phân chia không còn Giáo hội. Do đó mà ai cũng đạo Phật, ai cũng Tăng-già, kẻ
giống ba, người giống bảy, làm cho ngoại khách xem vào như là trong cõi đời
chưa có Tăng sư cùng đạo Phật” [Tổ sư Minh Đăng Quang 2016: 697]. Từ sự nhìn nhận
về tình hình Phật giáo đương thời, “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” trở thành
chí nguyện mà Ngài xác lập để hành đạo.
Ở đây cần lưu ý, giữa bối cảnh
Phật giáo trong thời kỳ chấn hưng, Đức Tổ sư không hô hào chấn chưng, thay vào
đó là nối truyền chánh pháp của Đức Phật Thích Ca. Mặc dầu các nhà nghiên cứu
thường nhận định hệ phái Khất Sĩ là sự dung hợp từ tư tưởng Phật học Thượng tọa
bộ và Đại thừa, tuy nhiên đó chỉ là về mặt “sự”. Còn về mặt “lý”, Phật giáo Khất
Sĩ theo quan niệm của Đức Tổ sư không phải Nam tông, không phải Bắc tông, càng
không phải “đạo tổng hợp”, mà y cứ trên Pháp bảo để vận hành. Tương tự, trong Kinh Trường bộ [2013: 337], Đức Phật cũng khẳng định: “Pháp và Luật,
Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo
sư của các ngươi.”
3. Vai trò của Phật giáo Khất Sĩ trong dòng chảy thời đại
3.1. Trở về truyền thống ban sơ của Phật giáo
* Đối tượng: Khất sĩ là trung tâm
Trong
Phật giáo Nguyên thủy, Tăng sĩ là đối tượng chính trên đạo lộ giải thoát. Đến
Phật giáo Đại thừa, vai trò của cư sĩ được nâng cao. Do vậy, các quốc gia Phật
giáo Đại thừa có xu hướng đề cao cư sĩ, thậm chí đến mức độ ngang bằng với Tăng
sĩ. Từ đặc điểm đó, cộng thêm tình hình Phật giáo Việt Nam khủng hoảng thời bấy
giờ, một bộ phận cư sĩ có thái độ thiếu tôn trọng vai trò của Tăng sĩ.
Xuất
hiện trong bối cảnh đó, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang [2016: 721] khẳng định: “Đạo
Phật là sự thật hành để thành Phật, là sự tu giống y theo Phật. Con đường ấy là
Khất sĩ, là Tăng, là đệ tử Phật sau này, là giới luật y bát chơn truyền vậy.” Quan
điểm nầy đã xác lập lại vị thế xứng đáng của người xuất gia trong Phật giáo mà
kinh điển luôn đề cập. Đặc biệt, Ngài sử dụng từ “Khất sĩ” để chỉ chung tất cả
những người xuất gia, một danh từ đã quen thuộc trong Phật giáo, nhưng trước
đây ít được chú ý.
Tuy
vậy, không phải cứ xuất gia thì sẽ được cư gia kính trọng. Trái lại, Đức Tổ sư
yêu cầu người xuất gia phải thực hành giới luật và trên thực tế Tăng Ni hệ phái
luôn giữ gìn giới luật một cách nghiêm cẩn. Trong truyền thống Khất Sĩ, mối
quan hệ giữa người xuất gia và người tại gia (thậm chí giữa những người xuất
gia với nhau) đều dựa trên giới luật, theo đó người giữ ít giới phải kính trọng
người giữ nhiều giới hơn. Giới luật là bậc thang để mỗi người tiến hóa trên
hành trình tu tập, mỗi người phát triển bản thân từ giữ ít giới đến tập dần giữ
nhiều giới. Đó là quan điểm lớn được Đức Tổ sư triển khai nhiều lần trong bộ Chơn lý.
* Pháp học: Giới
- Định - Huệ là nền tảng
Lấy Giới - Định - Huệ làm nền
tảng trên tiến trình tu tập là chủ trương lớn mà Đức Tổ sư Minh Đăng Quang
trình bày xuyên suốt bộ Chơn lý.
Trong đó, lời khẳng định ngắn gọn nhưng quan trọng của Ngài là: “Người Khất sĩ
chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là: Giới, Định, Huệ” [Tổ sư Minh Đăng Quang 2016:
166]. Bởi lẽ trong Phật giáo, Giới - Định - Huệ là sự thâu tóm từ Bát Thánh đạo:
Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộc về Giới, Chánh tinh tấn, Chánh niệm,
Chánh định thuộc về Định, Chánh kiến và Chánh tư duy thuộc về Huệ.
Đây là con đường chấm dứt
khổ đau mà Đức Phật đã tuyên bố lần đầu tiên sau khi Ngài giác ngộ. Sau đó
trong suốt sự nghiệp hoằng pháp, Đức Thế Tôn luôn đề cao tầm quan trọng của
Thánh đạo tám ngành. Ngài khẳng định: “Trong Pháp, Luật nào không có Bát Thánh
đạo, thời ở đấy không có (đệ nhất) Sa-môn, cũng không có đệ nhị Sa-môn, cũng
không có đệ tam Sa-môn, cũng không có đệ tứ Sa-môn” [Kinh Trường bộ 2013: 335-336].
Khi chủ trương trở về với
giáo pháp ban sơ của đạo Phật trên nền tảng Giới - Định - Huệ, Đức Tổ sư đã đề
cao vai trò của mỗi cá nhân trong con đường tu tập. Để có được thành tựu, hành
giả cần chuyển hóa bản thân bằng sự nỗ lực của chính mình, không nương tựa vào
ai khác. Trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam cổ truyền có xu hướng đề cao sự
nương tựa vào các thế lực tâm linh, chủ trương của Ngài đã mang khả năng giác
ngộ trở về với con người, xem con người là trung tâm của lộ trình giải thoát,
điều đó hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đức Phật.
*
Pháp
hành: Tứ y pháp là trụ cột
Dù cho
phép một số môn đệ hành đạo riêng lẻ, nhưng tinh thần chung mà Đức Tổ sư Minh
Đăng Quang đề cao là sống chung tu học. Để sống chung tu học, mỗi cá nhân cần
xây dựng đời sống phạm hạnh dựa trên giới luật, mà trong đó Tứ y pháp là trụ cột.
Tứ y pháp bao gồm: ăn thực phẩm khất thực, mặc y từ vải bỏ, ngủ dưới gốc cây,
dùng phân uế của bò làm thuốc.
Đây là phép hành trì truyền
thống của Phật giáo, được đề cập trong Luật
tạng của sáu bộ phái mà nhân loại còn giữ được. Tứ phần luật [2006: 160] của Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka) quy định:
“Từ nay về sau, trước hết thọ giới rồi sau mới thọ tứ y.” Tuy nhiên trên thực tế,
một số truyền thống Phật giáo hiện nay không còn truyền Tứ y pháp. Do vậy có thể
nói, Đức Tổ sư đã khẳng định lại giá trị của Tứ y pháp trong Phật giáo.
Trong đó, khất thực là một hạnh
tu nổi bật của Phật giáo Khất Sĩ. Người Khất sĩ có ba tấm y (y thượng, y trung,
y hạ) và một bình bát đất, mỗi sáng đi khất thực hóa duyên. Trong quan niệm của hệ phái, thực hành khất thực xoay quanh mối
quan hệ xin - cho. Khất sĩ xin thức ăn để nuôi thân, ngược lại cho giáo pháp đến
cư sĩ. Cư sĩ xin giáo pháp để nuôi trí, ngược lại cho thức ăn đến Khất sĩ.
Ngoài
khất thực mỗi sáng, người Khất sĩ xem mình là “du Tăng” đi khắp nơi hành đạo.
Những chiếc y vàng phấp phới trên mọi nẻo đường từ thôn quê ra phố chợ, từ miền
Nam ra miền Trung trong những thập niên 1950 - 1980 đã gây ấn tượng và cảm hóa
hàng vạn con người. Những vị Khất sĩ đã làm sống lại hình ảnh Tăng đoàn thời Đức
Phật, khôi phục phương pháp giáo hóa mà Đức Thế Tôn đã thiết lập, mở ra cơ hội
truyền bá chánh pháp và hóa độ người hữu duyên. Đó là một trong những nguyên
nhân quan trọng khiến Phật giáo Khất Sĩ phát triển với tốc độ rất mạnh mẽ.
3.2. Xóa bỏ rào cản phân biệt tông phái
Từ nhỏ, Đức Tổ sư Minh Đăng
Quang đã tiếp cận với Phật giáo Đại thừa, theo đức tin truyền thống của gia
đình. Nhờ vậy, Ngài nhận thấy những mặt tích cực và hạn chế của trường phái nầy.
Lúc trưởng thành, Ngài sang Cambodia tìm hiểu Phật giáo Thượng tọa bộ. Khi đó,
Ngài nhận thấy trường phái nầy giữ gìn được nét đẹp của Tăng đoàn thời Đức Phật,
nhưng nhiều khía cạnh khó có thể hòa nhập với truyền thống Phật giáo Việt Nam
có bề dầy hai ngàn năm.
Đức Tổ sư nhận định chính
xác rằng, do sự khác biệt của mỗi dân tộc mà đạo giáo từ đó có những khác biệt.
Để rồi, chính những
khác biệt ấy trở thành rào cản, ngăn con người tiếp cận chơn lý, nhưng thực chất
con đường đi đến giác ngộ không có sự phân chia. Để xóa bỏ những rào cản phân
biệt, Ngài kêu gọi người xuất gia hòa hợp trên nền tảng giới luật, tu tập theo
gương Phật, thực hành đúng chánh pháp.
Ngài cho rằng: “Chúng ta là
phải quên mình, quên giáo pháp ý riêng của mình, hãy ngó ngay đức Phật Thích-ca
Mưu-ni, tức là ngó ngay giới luật, ông thầy thiện lành trong sạch, mà hiệp hòa
bình đẳng nơi giới luật Phật” [Tổ sư Minh Đăng Quang 2016: 697]. Trước đó trên hai ngàn năm,
trong Kinh Trung bộ [2012: 333-334],
Tôn giả Ānanda cũng từng trả lời Bà-la-môn Gopaka Moggallāna rằng: “Thế
Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã thi thiết học
pháp, đã tuyên bố giới bổn Pātimokkha cho các Tỷ-kheo. […] Thật vậy, không phải
các Tôn giả xử sự chúng tôi, chính Pháp xử sự chúng tôi.”
Đức Tổ sư tin tưởng, nếu ai ai đều làm được như thế, đạo
Phật ắt sẽ hiệp hòa. Với ý tưởng nói trên và quá trình miệt mài hiện thực hóa ý
tưởng ấy của Ngài và hàng ngũ đệ tử, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã nhanh
chóng trở thành một hiện tượng tôn giáo nổi bật ở miền Nam giữa thế kỷ XX.
Một câu hỏi được đặt ra, xóa nhòa khoảng cách
giữa Nam tông và Bắc tông, nhưng lại hình thành đoàn thể Khất Sĩ, phải chăng là
sự chia tách một tông phái mới? Dĩ nhiên, từ góc nhìn xã hội, mọi người đều thừa
nhận Phật giáo Khất Sĩ là một tông phái mới. Tuy nhiên, từ góc nhìn Phật giáo,
Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là một danh xưng đặt tạm để giao tiếp ở thế gian mà
thôi. “Khất sĩ ấy là đạo, là đường đi; mượn tạm đường đi ấy để đi đến nơi chơn
thật, mục đích kết quả của mỗi người; chớ đạo ấy không phải là tên chi” [Tổ sư
Minh Đăng Quang 2016: 724-725].
Ở một góc nhìn khác, Phật
giáo Khất Sĩ là sự tích hợp có chọn lọc từ những giá trị tinh hoa trong hai
dòng chảy Phật giáo Nam phương và Bắc phương. Bởi thế, dù hình thành một truyền
thống tu học mới, các thực hành tôn giáo được cách tân, nhưng hệ phái vẫn giữ
được sự kế thừa gần như hoàn hảo cả hai truyền thống Phật giáo [Thích Như Nguyệt
2015: 94]. Điều đó giải thích vì sao quần chúng có thể cảm nhận một dòng chảy
Phật giáo “mới” mà không “lạ”, đủ khả năng kết nối những con người đến từ các
truyền thống Phật giáo khác nhau.
3.3. Xây dựng một nền Phật giáo dân tộc
Việt Nam dù tiếp xúc với văn
hóa Ấn Độ từ rất sớm, trong đó có Phật giáo, nhưng về sau chịu ảnh hưởng lớn từ
Phật giáo Đại thừa đi kèm với những yếu tố văn hóa Trung Hoa. Trong lịch sử,
nhiều thế hệ đã cố gắng giảm bớt những yếu tố văn hóa ngoại nhập, nhưng nỗ lực
đó mang lại kết quả rất hạn chế. Ngược lại, đến thế kỷ XX, Phật giáo Thượng tọa
bộ được người Việt tiếp nhận lại có nhiều cách biệt với văn hóa dân tộc.
Do vậy, một mặt từ chí nguyện
“Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang tìm về sự hành trì
nguyên thủy của Phật giáo. Mặt khác từ thực tiễn đất nước, Ngài mong mốn giảm bớt
những ảnh hưởng của văn hóa ngoại nhập trong Phật giáo Việt Nam. Hai điều đó
đòi hỏi Ngài kiến tạo một hình thái Phật giáo vừa không xa rời văn hóa dân tộc,
vừa không xa rời giáo pháp Đức Phật. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của Đạo Phật
Khất Sĩ Việt Nam mà chúng ta dễ dàng nhận thấy.
Trước tiên, kinh điển Phật
giáo khi đó được Việt hóa một phần, nhưng phần lớn còn nằm trong kho tàng chữ
Hán và Pāli. Để hoằng pháp một cách nhanh chóng, dễ dàng, gần gũi, Đức Tổ sư
biên soạn bộ Bồ-tát giáo gồm 17 tiểu luận và Chơn lý gồm 69 tiểu luận
viết bằng chữ Quốc ngữ. Tác phẩm trình bày nhiều vấn đề cốt lõi trong Phật
giáo, hướng dẫn đường lối tu hành đúng chánh pháp, quét sạch mê tín, thần quyền,
tà kiến…
Ngoài trước tác, Ngài còn
làm một cuộc “cách mạng” lớn trong Phật giáo đương thời khi sử dụng kinh tụng bằng
tiếng Việt hoàn toàn, thay vì phiên âm Hán Việt như Bắc tông hoặc tiếng Pāli như
Nam tông. Cho đến nay, việc sử dụng kinh tụng bằng tiếng Việt vẫn chưa có sự thống
nhứt trong Phật giáo Việt Nam. Trong khi đó, hệ phái Khất Sĩ đã thực hiện cách
đây gần một thế kỷ. Điều đó cho thấy tầm nhìn, tính canh tân, tính tiên phong của
Đức Tổ sư.
Trong nghi lễ, Phật giáo Khất
Sĩ đơn giản hóa hình thức, không âm nhạc, tán xướng, trì chú… Chuông gia trì là
pháp khí duy nhứt được sử dụng, không có mõ, trống, khánh, tang, bảng… Lễ phục
của Tăng Ni là trang phục thường nhựt, không có thêm các loại áo mão khác. Tăng
Ni đắp y theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, nhưng có một số cách tân, đặc
biệt là đưa áo dài cổ truyền Nam Bộ làm y hậu cho Ni giới và áo giới cho cư sĩ.
Ngoài ra, Phật giáo Khất Sĩ
có nhiều dấu ấn đặc thù về văn hóa rất phong phú. Chẳng hạn, Đức Tổ sư thiết kế
hình ảnh đèn chơn lý làm biểu trưng cho Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với ba bộ phận
là mặt nước, hoa sen, ngọn đèn tỏa sáng. Cơ sở tôn giáo được gọi là tịnh xá,
hình bát giác, trung tâm có tháp Pháp tôn trí duy nhứt tượng Đức Phật Thích Ca.
Tăng Ni ăn mỗi ngày một bữa theo Phật giáo Nam tông, nhưng ăn chay theo Phật
giáo Bắc tông…
Sự định hình phong cách cho
một hệ phái hoặc tổ chức tôn giáo là công việc mà không có nhiều nhà lãnh đạo
tôn giáo quan tâm thực hiện. Trái lại, Đức Tổ sư rất chú ý đến điều nầy và thực
hiện một cách hoàn hảo. Có thể nói, Đức Tổ sư là “kiến trúc sư” tài ba trong công cuộc xây dựng một
nền Phật giáo dân tộc mang đậm hơi thở thời đại.
4. Kết luận
Nửa đầu thế kỷ XX, nhiều
trào lưu được triển khai trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam, nhằm khôi phục những
giá trị của đạo Phật trong thời đại mới, sau những tháng năm dài khủng hoảng.
Giữa bối cảnh ấy, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang xuất hiện như một nhân vật quan trọng
và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam do Ngài sáng lập đã mang đến một luồng sinh khí mới.
“Nối truyền Thích Ca chánh
pháp” là một tuyên ngôn hùng tráng, qua đó Đức Tổ sư kêu gọi người xuất gia trở
về với truyền thống ban sơ thời Đức Phật. Ngài không hô hào canh tân, thay vào
đó chủ trương hòa hợp Tăng-già dựa trên giới luật. Với pháp học lấy Giới - Định
- Huệ làm nền tảng, pháp hành lấy Tứ y pháp làm trụ cột, Phật giáo Khất Sĩ đã
tái khẳng định vị thế của người xuất gia trong lộ trình giải thoát.
Mặt khác, Phật giáo Khất Sĩ
ra đời ở Việt Nam trong bối cảnh giao thoa hai nền văn minh Đông - Tây. Đức Tổ
sư đã khéo léo xây dựng một nền Phật giáo mang đậm dân tộc tính từ hình thức đến
nội dung. Nhờ vậy, hệ phái dễ dàng đi vào lòng người, thu hút đông đảo quần
chúng mến mộ, đồng thời đóng góp vào kho tàng văn hóa đa dạng của dân tộc.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 403,
2022 & in
trong sách Phong vị Nam Hà, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2024)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét