Kinh Trung bộ là tác phẩm đồ sộ trong Kinh tạng, nêu bật nhiều đề tài đa dạng, bao quát các khía cạnh trong hệ thống tư tưởng Phật giáo. Trong đó, nhiều bài kinh đề cập đến nếp sống Phạm hạnh của Tăng chúng - những người duy trì mạng mạch Chánh pháp. Qua những kinh văn ấy, người đọc không chỉ hiểu biết thêm về những đặc điểm của Tăng đoàn, mà còn nhận thấy phương pháp giáo dục của Đức Phật đối với hội chúng đệ tử.
Trong tiếng Pāli, từ “Saṅgha” có nghĩa là hội chúng, chữ Hán phiên âm là “Tăng-già”. Trong đời sống
tôn giáo ở Ấn Độ cổ đại, các tôn giáo đều có thể gọi là saṅgha. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh Phật giáo, Saṅgha / Tăng-già được dùng để chỉ đoàn thể đệ tử xuất gia của Đức Phật
Thích Ca.
Sau khi giác ngộ, Đức Phật Thích Ca từ
Uruvelā đến Isipatana độ cho năm huynh đệ Koṇḍañña. Bài kinh đầu tiên là Kinh Chuyển pháp luân dạy về bốn Thánh đế,
đánh dấu bánh xe pháp chính thức được vận hành. Khi ấy, năm bạn cùng tu xin xuất
gia, trở thành những vị Tỳ-kheo đầu tiên. Thời điểm nầy, Tăng đoàn được hình
thành.
Từ đó, Đức Phật và Tăng đoàn hoằng
pháp không ngừng nghỉ suốt 45 năm. Nhờ vậy, không chỉ Chánh pháp được lan truyền
rộng rãi khắp các xứ sở, mà hội chúng cũng càng lúc càng lớn mạnh. Đoàn thể ấy
đã đón nhận những thành phần đa dạng trong xã hội đương thời, không phân biệt
xuất thân, địa vị, trình độ, tuổi tác, giới tính…
Sự vững mạnh
của Tăng-già dựa vào hai yếu tố cốt lõi là thanh tịnh và hòa hợp. Hai yếu tố nầy
không thể chỉ có một, mà phải đầy đủ cả hai. Thanh tịnh là sự trong sạch từ
thân, miệng, ý, dẫn đến khả năng phát triển bản thân trên con đường tu tập. Hòa
hợp là cuộc sống hài hòa giữa mỗi cá nhân trong đoàn thể thống nhứt. Bản chất
thanh tịnh và hòa hợp được thể hiện qua lục hòa, thất diệt tránh, các hình thức
sinh hoạt như bố tát, an cư, tự tứ… Quan trọng hơn hết là sống chế ngự với giới
bổn Pāṭimokkha.
Trong xây dựng
Tăng đoàn, giới luật luôn là yếu tố đầu tiên được Đức Phật đề cao. Ngài dạy: “Các
Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng
hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ
nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới” (Kinh Ước nguyện). [1] Sống trong sự phòng hộ của giới bổn,
Tỳ-kheo có khả năng ngăn chặn các bất thiện pháp, tăng trưởng các thiện pháp, thanh
tịnh ba nghiệp, tiến bộ từng ngày trên đạo lộ giải thoát.
Trong mối quan hệ giữa các cá nhân trong Tăng chúng với
nhau, sáu pháp hòa kính là bài học nền tảng dành cho mỗi Tỳ-kheo. Kinh Kosambiya tường thuật sự kiện các Tỳ-kheo
ở Kosambī tranh luận và đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi. Đức Thế Tôn chỉ
ra rằng, lối sống ấy không làm cho các Tỳ-kheo có thể an trú từ thân hành, khẩu
hành, ý hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Từ đó,
Ngài dạy sáu pháp cần phải ghi nhớ gồm:
(1) An trú từ thân hành đối với
các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
(2) An trú từ khẩu hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau
lưng.
(3) An trú từ ý hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
(4) San sẻ các tài vật nhận được với các vị đồng phạm hạnh có giới đức.
(5) Thành tựu trong giới luật với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau
lưng.
(6) Thành tựu tri kiến bậc Thánh với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau
lưng.
Trong
sáu pháp đó, Đức Thế Tôn khẳng định, tri kiến bậc Thánh là pháp tối thượng. [2]
Áp dụng sáu pháp hòa kính nầy, các Tỳ-kheo có thể sống với nhau giống như nước với sữa. Điều nầy được đề cập trong Tiểu kinh Rừng sừng bò. Trong khu rừng Gosiṅga ấy, ba vị Tỳ-kheo Anuruddha, Nandiya, Kimbila đã từ bỏ cái tâm cá nhân của mình và sống thuận theo tâm của các vị đồng phạm hạnh. Như thế, họ tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm, nhờ vậy có được cuộc sống an lạc. [3]
Ngoài
ra, Đức Phật còn dạy bảy pháp dập tắt tranh cãi, thông qua Kinh Làng Sāma. Sau khi giáo chủ Kỳ-na giáo Nigaṇṭha Nātaputta qua đời, đệ tử của ông chia làm hai phái
tranh chấp nhau. Các đệ tử Phật lo ngại tình trạng đó sẽ xảy ra với Tăng đoàn
sau khi Thế Tôn diệt độ. Song, Ngài cho rằng sự tranh luận về nếp sống hay giới
luật là nhỏ nhặt, sự tranh luận về đường lối tu hành mới đưa đến bất lợi. Từ
đó, Đức Phật dạy bảy pháp dập tắt tranh cãi gồm: phán quyết thông qua đối mặt Tăng
chúng, phán quyết bằng cách nhớ lại tội lỗi, phán quyết do tinh thần không tỉnh
táo, phán quyết tùy theo thú nhận của đương sự, phán quyết dựa trên ý kiến của
số đông, phán quyết căn cứ giới tội của người phạm, phán quyết bỏ qua như trải
cỏ che lấp. [4]
Nhờ những phương pháp ấy, Tăng-già giữ được bản thể thanh tịnh và hòa hợp. Nếu Kinh Kosambiya nói về các Tỳ-kheo tranh cãi với nhau, thì nhiều kinh điển khác trong Kinh Trung bộ đề cập đến đời sống thanh tịnh, từ ái, khiêm cung của các Sa-môn. Chẳng hạn, ở Kinh Trạm xe, Tôn giả Puṇṇa Mantāniputta hăng say chia sẻ về giáo pháp với Tôn giả Sāriputta, không biết rằng người trước mặt mình chính là bậc Thượng thủ trong Tăng đoàn. Đến khi biết ra, Ngài khiêm tốn nói: “Nếu chúng tôi được biết là Tôn giả Sāriputta, thì chúng tôi đã không nói nhiều như vậy.” [5]
Kinh Sandaka
cho người đọc biết lời nhận định của những người ngoại đạo về Tăng đoàn Phật
giáo. Khi du sĩ Sandaka đang bàn luận nhiều vấn đề phù phiếm với khoảng năm
trăm du sĩ, Tôn giả Ānanda
từ xa đi đến. Thấy thế, du sĩ Sandaka nói với hội chúng: “Các Tôn giả hãy nhỏ
tiếng! Các Tôn giả hãy lặng tiếng! Nay đệ tử của Sa-môn Gotama, Sa-môn Ānanda đang đến. Khi
nào các đệ tử của Sa-môn Gotama trú ở Kosambī, thời Sa-môn Ānanda này là một vị
trong những vị ấy. Các Tôn giả ấy ưa mến trầm lặng, tu tập trong trầm lặng, tán
thán trầm lặng, nếu biết chúng này trầm lặng, có thể ghé tại đây.” [6]
Ngoài
ra, chúng ta còn bắt gặp tinh thần dấn thân của người đệ tử Phật trong Kinh Giáo giới Phú-lâu-na. Tôn giả Puṇṇa dự định giáo hóa tại
một quốc độ xa lạ có tên là Puṇṇovādasuttaṃ. Đức Phật đặt vấn đề, người xứ ấy
hung bạo, có thể gây hại cho Tôn giả. Tôn giả trả lời, nếu sử dụng một trong
các hình thức mắng nhiếc, đánh đập, ném đất, tấn công bằng hung khí, đoạt mạng…
thì Ngài đều nhận thấy họ vẫn còn hiền từ vì chưa sử dụng đến hình thức hung bạo
hơn. [7]
Nói
đến đức hạnh của Tăng-già, không thể không nói đến vai trò Đức Phật trong việc
xây dựng đoàn thể nầy. Đức Thế Tôn chú trọng từ sự hoàn thiện tư cách của từng thành viên, đến
sự hoàn thiện phạm hạnh của cả hội chúng. Khi một cá nhân có những quan điểm
sai lầm, Ngài cho gọi đến và giáo hóa riêng, chẳng hạn Tỳ-kheo Moliyaphagguna
trong Kinh Ví dụ cái cưa, Tỳ-kheo
Sati trong Đại kinh Đoạn tận ái… Có
những trường hợp, Ngài đưa ra những lời giáo huấn dành cho tập thể Tăng chúng,
chẳng hạn cảnh cáo năm trăm vị Tỳ-kheo mới đến gây ồn ào (Kinh Cātumā)… Khi cần thiết, Ngài chế định những quy tắc mới để phù
hợp với đời sống Tăng-già, chẳng hạn ăn chỉ một lần (Kinh Bhaddāli), từ bỏ ăn ban đêm (Kinh Kīṭāgiri)…
Thậm
chí, đến khi Đức Thế Tôn không còn tại thế, Tăng-già vẫn có thể tiếp tục giữ được
tính chất thanh tịnh và hòa hợp, nhờ vào nền tảng mà Ngài đã xây dựng. Sau khi
Đức Phật diệt độ, Bà-la-môn Vassakāra - đại thần nước Magadha đặt câu hỏi rằng Tăng chúng sẽ nương
tựa vào đâu, Tôn giả Ānanda trả lời: “Này Bà-la-môn, chúng tôi có chỗ nương tựa,
và Pháp là chỗ nương tựa của chúng tôi. […] Thật vậy, không phải các Tôn giả xử
sự chúng tôi, chính Pháp xử sự chúng tôi” (Kinh
Gopaka Moggallāna). [8] Do đó, Đức Phật không cần phải phó chúc vai trò lãnh đạo Tăng
đoàn cho ai.
Tóm
lại, qua Kinh Trung bộ, những đặc tính của Tăng đoàn Phật giáo được đề cập rất
chi tiết. Nhờ vậy, người đời sau có cơ hội thấu hiểu sâu sắc hơn đời sống Phạm
hạnh của Đức Phật và Tăng chúng. Đó là đoàn thể mà một con người đương thời - vua Pasenadi của vương quốc Kosala đã
dành những lời tán thán đầy tôn kính. Điều nầy được ghi lại trong Kinh Pháp trang nghiêm:
“Lại nữa bạch Thế Tôn, vua chúa cãi lộn
với vua chúa, Sát-đế-lỵ cãi lộn với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn cãi lộn với Bà-la-môn,
gia chủ cãi lộn với gia chủ, mẹ cãi lộn với con, con cãi lộn với mẹ, cha cãi lộn
với con, con cãi lộn với cha, anh em cãi lộn với anh em, anh em cãi lộn với chị
em, chị em cãi lộn với anh em, bạn bè cãi lộn với bạn bè. Còn ở đây, bạch Thế
Tôn, con thấy các Tỷ-kheo sống với nhau thuận hòa, thân hữu, không cãi lộn nhau,
hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Bạch Thế Tôn, con
không thấy ngoài đây ra, có một phạm hạnh nào khác viên mãn, thanh tịnh như vậy.” [9]
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tập san Đuốc Sen, số 31, 2023)
_____________
CHÚ THÍCH:
1. Kinh
Trung Bộ (2012), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, tr. 55.
2. Kinh
Trung Bộ (2012), Tập I, Sđd, tr. 394-395.
3. Kinh Trung Bộ
(2012), Tập I, Sđd, tr. 260.
4. Kinh
Trung bộ (2012), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, tr. 304.
5. Kinh
Trung Bộ (2012), Tập I, Sđd, tr. 199.
6. Kinh
Trung bộ (2012), Tập II, Sđd, tr. 15-16.
7. Kinh
Trung bộ (2012), Tập II, Sđd, tr. 612-613.
8. Kinh Trung bộ
(2012), Tập II, Sđd, tr. 333-334.
9. Kinh
Trung bộ (2012), Tập II, Sđd, tr. 147.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét