1. Đặt vấn đề
Người Khmer là một trong những tộc người cư trú đông đảo ở đồng bằng sông Cửu Long với nền văn hóa phong phú. Trong hệ thống tín ngưỡng tôn giáo, ngoài tôn giáo chính là Phật giáo Nam truyền, họ có nhiều hình thái tín ngưỡng dân gian đa dạng. Các thần linh được sùng bái đa phần có nguồn gốc từ văn hóa bản địa hoặc ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ như Neak Ta, Rea Hu, Tevoda, Preach Khe, Neang Khmau… trong đó, tục thờ cúng Neak Ta được xem là điển hình. Tuy nhiên, người Khmer có một đối tượng tín ngưỡng khác, ngày nay hầu như không còn được thế hệ trẻ biết đến, đó là Arak. Tín ngưỡng nầy gắn liền với nghi lễ nhập đồng được gọi là Pleng Arak và người nhập đồng được gọi là Rup Arak. Nếu các thần linh nêu trên đã trở nên quen thuộc với những ai quan tâm tìm hiểu văn hóa Khmer, thì Arak là đối tượng tín ngưỡng rất ít được nghiên cứu.
Tín
ngưỡng Arak có thời gian dài tồn tại song hành cùng tín ngưỡng Neak Ta, thậm
chí trước nay không ít người thường lẫn lộn giữa hai thần linh nầy, cho rằng
Arak là một hình thức của Naek Ta. Tuy nhiên, qua thời gian với sự vận động của
văn hóa Khmer, tục thờ cúng Arak có xu hướng suy thoái và đứng trước nguy cơ
biến mất, bởi vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Song song
với quá trình đó là sự chuyển đổi đức tin của người Khmer từ Arak sang Neak Ta.
Nghiên cứu nầy tập trung phân tích về hai loại hình tín ngưỡng trên, mối quan
hệ với nhau và quá trình chuyển đổi đức tin của cộng đồng Khmer.
2. Niềm
tin và thực hành tín ngưỡng Arak
2.1. Quan niệm về Arak
Arak là
tín ngưỡng bản địa của người Khmer ở Cambodia có từ thời kỳ tiền Phật giáo. Đến
lúc Phật giáo du nhập vào Cambodia thế kỷ XII rồi về sau trở thành quốc giáo, việc
thờ cúng Arak vẫn tiếp tục tồn tại. Khi di cư xuống châu thổ hạ lưu sông Mekong,
họ mang theo hệ thống tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có Arak và duy trì suốt nhiều
thế kỷ trên vùng đất mới.
Trong những công trình
nghiên cứu về văn hóa Khmer ở Việt Nam trước nay, Arak thường ít được nhắc đến,
hoặc nếu có cũng chỉ điểm qua sơ lược. Do đó, việc tìm kiếm thông tin đầy đủ về
đối tượng tín ngưỡng nầy - dù qua tư liệu sơ cấp hay thứ cấp - đều khó khăn. Nhìn
chung, các quan niệm về Arak có thể tạm chia thành hai nhóm chính như sau:
(1) Arak
là bà tổ trong dòng họ mẫu hệ, chết bất đắc kỳ tử và hiển linh. Theo quan
niệm nầy, “Arak có nghĩa là ma quỷ, là thần tổ của dòng họ bảy đời… có chức
năng bảo hộ gia đình trừ tà ma hại người trong dòng họ. Arak là một nhân thần
thuộc phái nữ đã chết” [Nguyễn Công Bình & Lê Xuân Diệm & Mạc Đường 1990: 229].
(2) Arak là thần trong thế giới tự nhiên, bảo vệ và chi phối đời sống cộng
đồng. Nguyễn Xuân Nghĩa [1979: 47] cho biết, phần đông người Khmer vùng đồng
bằng sông Cửu Long hiểu Arak là thần hoặc ma quỷ không có hình dáng rõ rệt,
nhưng cũng có quan niệm cho rằng Arak là thần bảo vệ, thần giữ gìn…
Kế thừa và tổng hợp từ hai
nhóm ý kiến trên, những nghiên cứu sau nầy cho rằng Arak vừa có thể là nhân thần
lẫn nhiên thần. Định nghĩa của Viện Văn hóa [1993: 51] viết: “Arak tượng trưng
cho vị thần bảo hộ của giòng họ, một loại thần không có hình dáng, biểu hiện rõ
rệt và tính chất thiện, ác cũng khó phân biệt. Có thể là một người nào đó trong
dòng họ chết từ lâu nhưng linh thiêng nên được tôn là thần và được các gia đình
trong dòng họ thờ cúng nhờ bảo hộ.”
Arak có nhiều loại như Arak
chou buo (Arak của dòng họ), Arak phum (Arak của phum), Arak veal (Arak ruộng rẫy), Arak preay (Arak giữ rừng),
Arak phteah
(Arak nhà cửa)… Trong đó, Arak chou buo được xem là quan trọng nhứt, mỗi
dòng họ có thể thờ cúng nhiều Arak, ngược lại một Arak có thể được thờ cúng bởi
nhiều dòng họ. Những gia đình ó cùng một bà tổ tính theo dòng họ mẹ đều thờ
cúng chung một Arak chou buo.
Dù là nhân thần hay nhiên thần
thì trong quan niệm của người Khmer, Arak vẫn là thần linh không có lai lịch rõ
ràng, không hình tướng, không được thể hiện bằng biểu tượng hay hình ảnh nào cụ
thể. Arak có tính chất thiện ác không rạch ròi, vừa có thể bảo vệ con người,
nhưng sẵn sàng quở phạt những người nào tỏ thái độ không tôn kính. Người
Khmer tin rằng Arak có thể quở phạt khiến họ gặp xui xẻo, đau bịnh, tai nạn…
2.2. Nghi lễ
Pleng Arak
Gắn liền với tục thờ cúng
Arak là nghi lễ nhập đồng, được gọi là Pleng Arak, cũng gọi là Chôl Arak. Người
Khmer xưa, mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống như bịnh tật hay mất mùa, thường
tổ chức Pleng Arak. Ngoài những lúc hữu sự, một số nơi còn tổ chức nghi lễ nầy
định kỳ mỗi năm hoặc ba năm một lần.
Người nhập đồng được gọi là
Rup Arak, có vai trò trung gian cho Arak nhập vào để giao tiếp với thế giới trần
tục, giải đáp những thắc mắc mà dân chúng muốn cầu hỏi. Rup có thể là nam hoặc
nữ, nhưng đa phần là nữ. Người làm Rup thường do cha truyền con nối hoặc mẹ
truyền con nối. Bên cạnh Rup còn có thêm một thầy cúng, thông thạo nghi lễ, được
gọi là Krou Teay.
Lễ vật được dâng cúng thường
đơn giản, đa phần là những món ăn gần gũi với đời sống hằng ngày của người
Khmer như đầu heo, gà luộc, vịt luộc, trái dừa, nải chuối, trầu, rượu, bánh bò,
bánh hỏi… Song, tùy theo vị Arak nào được cầu cúng mà lễ vật có đôi chút khác
biệt để phù hợp “sở thích” của Arak đó. Ngoài thức ăn còn một số vật phẩm đặc
trưng của văn hóa Khmer như slachôm, slathô, baisei… [Tư liệu điền dã 2017]
Diễn biến nghi lễ Pleng Arak
về cơ bản theo trình tự cố định. Đầu tiên, chủ lễ đốt nhang đèn khấn vái, rồi dàn
nhạc trỗi nhạc và cất lời hát thỉnh Arak về. Đó là dàn nhạc dân gian truyền thống
của người Khmer, với khoảng năm người chơi các nhạc cụ như trống, kèn, đờn… và
một người hát. Trong lúc đó, những người dân xung quanh cùng hò reo và vỗ tay như
một hình thức “cổ vũ”.
Khi Arak nhập vào, đầu tiên Rup
sẽ nhảy múa, sau đó người dân bắt đầu hỏi những vấn đề mình thắc mắc để Arak giải
đáp. “Người lên đồng lúc đó uốn éo, có nhiều
hành động khác thường như uống nước liên tục, ngậm rượu phun vào người bệnh… và
nói những câu đặc biệt để chữa bệnh hoặc nói với chủ nhà phải làm một số điều
gì đó thì bệnh mới khỏi được” [Trần Văn Bính chủ biên 2004: 179]. Cuối
cùng, sau khi cuộc hỏi đáp hoàn tất, Arak xuất khỏi Rup và Rup không còn nhớ những
gì vừa xảy ra trước đó.
Ngoài lễ cúng, người Khmer
còn thờ Arak trong khuôn viên nhà ở, lập miếu Arak trong phạm vi phum srok.
Không những vậy, đối với giới bùa chú, Arak là một trong những đối tượng tín
ngưỡng được các pháp sư thờ cúng để tăng thêm quyền năng. “Theo lời các vị pháp sư, linh hồn Arak sẽ thừa hành
theo lệnh của họ, giúp họ đạt được ý nguyện đề ra” [Nguyễn Khắc Cảnh & Lê
Huyền Trang 2014].
3. Mối quan hệ
giữa tín ngưỡng Arak và Neak Ta
Ngoài Phật giáo Nam truyền là
tôn giáo chính, trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của người Khmer, Neak Ta có
thể được xem là thần linh quan trọng nhứt. Đây là danh xưng chung dành cho những
phúc thần bảo hộ cộng đồng trong đời sống hằng ngày, chức năng tương tự Thành Hoàng
của người Việt hay Ông Bổn của người Hoa. Khi thờ cúng, Neak Ta thường được biểu
trưng bằng hòn đá, hoặc tranh, tượng… Neak Ta và Arak có một vài điểm cơ bản giống
nhau khiến không ít người nhầm lẫn giữa hai thần linh nầy, song bên cạnh đó cũng
có những khác biệt.
Về nguồn gốc, người Khmer
cho rằng Arak là thần linh xuất hiện trước và cổ xưa hơn Neak Ta, do vậy trong
nghi lễ, họ thường khấn vái “Arak - Neak Ta” chứ không phải “Naek Ta - Arak”
[Tư liệu điền dã 2017]. Arak mang những đặc điểm của vật linh giáo (animisim)
là niềm tin của con người về sự tồn tại linh hồn trong vạn vật. Neak Ta thể hiện
những đặc trưng của bái vật giáo (fetishism),
ở đó con người đặt niềm
tin và thờ cúng thần linh thông qua một vật thể nhứt định. Như vậy so với
Neak Ta, Arak chưa được biểu hiện bằng hình thức vật thể. Ngoài ra, cả hai hình
thái nầy có yếu tố ma thuật giáo (shamanism) là hình thức giao tiếp giữa thế giới
thiêng và phàm thông qua người trần tục làm đại diện. Song, hình thức ma thuật
thể hiện rõ và mang tính chất bắt buộc ở tín ngưỡng Arak, tín ngưỡng Neak Ta thỉnh
thoảng có hình thức ma thuật nhưng vai trò không quan trọng.
Ở một góc nhìn khác, khi đặt
hai loại hình tín ngưỡng trong bối cảnh lịch sử - xã hội Khmer, Nguyễn Xuân
Nghĩa [1987: 118] nhận định: “Arak là tàn dư của sự thờ cúng totem trong thị tộc
mẫu hệ mà dấu vết là vai trò đặc biệt quan trọng của Arak nữ […]. Còn Neak Ta
là tín ngưỡng của công xã láng giềng, khi các thành viên trong công xã không
còn quan niệm về một tổ tiên chung nên đã tôn người đứng đầu công xã hay người
có công làm thần bảo hộ công xã.”
Về quy mô
và tính chất, nếu cúng Neak Ta để cầu mong thời tiết thuận lợi, mùa màng tươi tốt,
con người khỏe mạnh… thì cúng Arak chủ yếu để chữa bịnh và phạm vi gói gọn
trong gia đình hay dòng họ. Như một nghiên cứu từng nhận định: “Thần trong tín
ngưỡng Neak Ta được khái quát cao hơn, có địa vị lớn và do đó phát huy ảnh hưởng
phạm vi rộng. Nếu ảnh hưởng của Arak trong phạm vi gia đình, giòng họ, thì ảnh
hưởng của Neak Ta trong phạm vi xã hội rộng lớn và giải quyết những chuyện của
cả cộng đồng phum, sóc… có nghĩa là mỗi khi có hạn hán, đe dọa mất mùa, địch họa
xẩy ra, người ta phải cầu cúng Neak Ta, còn khi gia đình có người bệnh, người
ta cầu cúng Arak” [Viện Văn hóa 1993: 53-54].
Điều hết sức thú vị là, cả Arak
và Neak Ta đều để lại dấu ấn tương đối sâu đậm trong văn hóa người Việt ở Tây
Nam Bộ, không chỉ qua những miễu thờ, mà còn nhiều biểu hiện khác. Đơn cử trường
hợp lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, qua khảo sát văn tế, Huỳnh Quốc Thắng [2003:
127] nhận thấy trong nội dung đã cung thỉnh nhiều thần thánh của người Chăm,
Khmer và Hoa như Chúa Ngung Man Nương, Thạch Trụ Cô Nương, Nặc Tà Á Rặc, Thiên
Hậu Thánh Mẫu, Khổng Tử, Thất Vị Thánh Mẫu, Tứ Vị Thánh Nương, Nhị Vị Công Tử…
để “đồng lai phối hưởng”.
4. Hiện tượng
giáng cấp và tăng quyền văn hóa
Từ thập niên 1960, tục thờ
cúng Arak ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu suy yếu. Đặc biệt sau năm 1975, tín
ngưỡng nầy dần mai một, ngày nay rất ít người biết đến. Khi niềm tin vào Arak
giảm dần thì Neak Ta với vai trò là thần bảo hộ cộng đồng được người Khmer càng
lúc càng tin tưởng hơn. Nhiều yếu tố trong
tín ngưỡng Arak, từ đức tin đến thực hành nghi lễ, được chuyển đổi sang tín ngưỡng
Neak Ta [Tư liệu điền dã 2017]. Với quá trình đó, tín ngưỡng Arak xảy ra hiện
tượng giáng cấp văn hóa, đồng thời
tín ngưỡng Neak Ta xảy ra hiện tượng tăng
quyền văn hóa.
Trước đây, ngoài việc mỗi
dòng họ thờ cúng Arak chou buo, thì nhiều gia đình có thờ cúng Arak phteah trong khuôn viên nhà ở. Hình thức có thể
là khánh thờ nhỏ trên vách nhà hoặc miễu thờ nhỏ trước sân nhà. Trong phạm vi
phum sork cũng có miễu Arak ở ven đường với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Ngày nay,
thờ cúng Arak ở gia đình gần như đã mất hẳn, miễu Arak của phum srok cũng không
còn và phần lớn chuyển thành miễu Neak Ta.
Thực hành nghi lễ cũng rơi
vào hoàn cảnh tương tự. Chẳng hạn trước năm 1975, người Khmer ở hai huyện Tri
Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang thường tổ chức Pleng Arak và thu hút đông đảo
người tham dự [Nhiều tác giả 2013: 847-848]. Ngày nay, người Khmer vẫn giữ niềm
tin vào Arak, nhưng nghi thức Pleng Arak gần như mất hẳn. Việc cúng bái Arak chỉ
diễn ra đơn giản, thường được lồng ghép vào lễ cúng Neak Ta của phum sork, hoặc
lồng ghép trong các lễ cúng của gia đình.
Sở dĩ có hiện tượng nầy, nguyên
nhân đầu tiên bắt nguồn từ thực tiễn đời sống. Arak được thờ cúng với chức năng
chủ yếu là chữa bịnh và ảnh hưởng ở phạm vi dòng họ. Trong xã hội còn khó khăn,
khi cư dân đương đầu với bịnh tật hay những bất trắc nào đó ở vùng đất mới, họ
tìm đến thần linh. Khi đời sống nâng cao, sự phát triển của y tế dễ dàng đẩy
lùi bịnh tật một cách nhanh chóng và hiệu quả, không cần phải cúng kiếng rườm
rà. Từ đó, quan niệm của người Khmer dần thay đổi, họ cho rằng không cần thiết
thờ cúng Arak như trước nữa.
Bên cạnh đó là nguyên nhân ở
khía cạnh tâm linh khi xem xét hai thần linh qua cái nhìn của người Khmer. Về
biểu hiện, Neak Ta có biểu tượng cụ thể (hòn đá, tượng, tranh…), trong khi Arak
“vô hình vô tướng”. Người Khmer cảm nhận rằng họ có thể “hình dung” được phần
nào về Neak Ta, trong khi với Arak thì không. Về tính chất, Arak có tính chất
thiện ác không phân biệt rõ ràng, vừa giúp đỡ con người nhưng có thể quở phạt
con người nếu bất kính. Bởi thế, dù người Khmer thờ cúng Arak nhưng lo sợ có
lúc bị Arak quở phạt, họ không cảm thấy thật sự an toàn. Ngược lại, họ thường
xem Neak Ta như vị phúc thần luôn mang đến sự tốt lành, nên gần như hoàn toàn
tin tưởng (dù Neak Ta vẫn có lúc quở phạt nhưng rất hiếm). Về chức năng, trong
quan niệm của người Khmer, Arak mang một số chức năng có ảnh hưởng trong phạm
vi nhỏ, còn Neak Ta là thần linh đa chức năng và ảnh hưởng khắp mọi nơi. Niềm
tin vào Arak càng giảm, niềm tin vào Neak Ta càng tăng, khi đó chức năng của
Neak Ta càng mở rộng và bao trùm những chức năng trước đây vốn thuộc về Arak.
Ngoài ra, chánh sách quản lý
văn hóa của Việt Nam sau năm 1975 đã tác động mạnh mẽ đến tục thờ
cúng Arak. Những cán bộ làm công tác quản lý cho rằng nghi lễ Pleng Arak là
hành vi mê tín dị đoan, một mặt vừa tuyên truyền vận động người Khmer từ bỏ, mặc
khác vừa cấm đoán bài trừ. Người Khmer phải thực hiện nghi lễ nầy một cách lén
lút và đến tận ngày nay vẫn còn giữ thái độ dè dặt khi được hỏi về Arak [Tư liệu
điền dã 2017]. Theo nghiên cứu của Hoàng Cầm và Phạm Quỳnh Phương [2012: 73-74],
cách nhìn nhận về sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam theo
tiến hóa luận trong thời gian dài, văn hóa của tộc người thiểu số bị quy chiếu
theo tiêu chuẩn của tộc người đa số, nhiều thực hành văn hóa truyền thống bị định
hướng theo nhận thức của những người làm quản lý. Người dân phải từ bỏ nhiều thực hành văn hóa “mê tín dị đoan”, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến bùa chú và thế giới thần linh.
5. Kết luận
Những hình thức ma thuật của
các tộc người thiểu số nói chung, tục thờ cúng Arak của tộc người Khmer nói
riêng, không hẳn là hành vi “mê tín dị đoan” như đánh giá của các cơ quan quản
lý văn hóa ở Việt Nam suốt thời gian dài. Trái lại, đó là giải pháp tâm lý kết
hợp các phương thức trị liệu dân gian, thể hiện tri thức bản địa và đặc trưng
văn hóa tộc người.
Ở góc độ cá nhân, người
Khmer gởi gắm niềm tin vào Arak để xử lý những bất an trong đời sống thường
ngày. Ở góc độ cộng đồng, tín ngưỡng Arak và nghi lễ Pleng Arak là môi trường
sinh hoạt để cư dân gắn kết nhau trong cuộc sống, củng cố sự ổn định của xã hội.
Đặc biệt, tục thờ cúng Arak được tích hợp với nhiều giá trị trong văn hóa dân
gian, trở thành nơi tái hiện và truyền lưu những truyền thống của tổ tiên.
Ngày nay, tục thờ cúng Arak
đã suy yếu do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan khác nhau. Niềm tin của
cư dân Khmer vào Arak dần chuyển sang Neak Ta, khiến Arak giờ đây chỉ còn là một
thần linh mơ hồ trong ký ức xa xưa và Naek Ta trở thành thần linh quan trọng
hàng đầu trong tín ngưỡng dân gian Khmer. Tuy nhiên, nếu bỏ qua những yếu tố giảm
giá trị trong xã hội hiện đại, tín ngưỡng Arak và nghi lễ Pleng Arak có thể được
bảo tồn như di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của cộng đồng Khmer Tây Nam Bộ.
VĨNH THÔNG
(Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, Tập 1: Văn hóa nhận thức và tôn giáo tín ngưỡng, Nxb Đại học Cần Thơ, 2018 & in trong sách Phong vị Nam Hà, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2024)
_______________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét