Trong quốc gia, xã hội hay tổ chức nào đều cần có những quy định nhằm giữ gìn sự ổn định và phát triển cho tập thể. Phật giáo không ngoại lệ. Chẳng những vậy, Phật giáo có cả kho tàng giới luật (Luật tạng) vừa đồ sộ nhưng cũng vừa chi tiết. Điều đó, một mặt cho thấy sự quan tâm của Đức Phật đối với phẩm hạnh của chúng đệ tử, một mặt cho thấy tầm quan trọng của giới luật trong tiến trình tu tập tiến đến giải thoát. Nhờ sống trong sự phòng hộ của giới luật, mỗi cá nhân có thể giữ gìn sự trong sạch cho bản thân, từ đó kết hợp với nhau hình thành đoàn thể trong sạch.
Do đó từ xưa đến nay, giới luật luôn là tiêu chuẩn, thước đo, khuôn mẫu cho đệ tử Phật nương theo. Nhờ có giới luật, hàng cư sĩ phát khởi và tăng trưởng lòng kính tin Tam Bảo, thông qua hình ảnh vị Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni. Căn cứ giới luật, xã hội có những nhìn nhận và đánh giá về Phật giáo với những giá trị tích cực. Như vậy, giới luật không chỉ làm mỗi cá nhân trở nên tốt đẹp và thúc đẩy sự ổn định của Tăng đoàn, mà còn xây dựng hình ảnh Phật giáo trong mắt quần chúng.
Giới
luật được Từ điển Phật học tinh tuyển
định nghĩa là: “Giới pháp quy luật để giúp tín đồ Phật giáo ngăn ngừa và chận đứng
sai lầm, tà ác.” [1] Trong tiếng Pāli, thuật ngữ “sīla” mang ý nghĩa là đạo
đức, luân lý, điều răn… nói cách khác là giới. Bên cạnh đó, thuật ngữ “vinaya”
có nghĩa là luật lệ. Ngoài ra, tập hợp các điều học dành cho Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni
được gọi là “pātimokkha”, có thể dịch là giới bổn. Giới bổn còn mang ý nghĩa là
biệt giải thoát, có nghĩa là giải thoát từng phần, giữ giới nào giải thoát giới
ấy.
Giới
luật Phật giáo do Đức Phật Thích Ca thiết lập. Trong 12 năm đầu giáo hóa, Ngài
chưa đặt ra giới luật, vì khi đó các vị Tỳ-kheo gia nhập Tăng đoàn đều sinh hoạt
trong thanh tịnh. Đến năm thứ 13, Tăng đoàn đã phát triển lớn mạnh, nhiều thành
phần đa dạng gia nhập, Đức Thế Tôn mới đặt ra giới luật. Giới luật ra đời nhằm
ngăn chặn những thành phần có tâm ý xấu xa len lỏi vào hàng ngũ Tăng-già, đồng
thời bảo vệ các thành viên thanh tịnh trong Tăng đoàn trước những tác động tiêu
cực.
Sự
hình thành và phát triển giới luật Phật giáo dựa trên nguyên tắc “tùy phạm tùy
chế”. Có nghĩa là, Đức Phật không chế ra hàng loạt giới luật một cách tự nhiên,
mà tùy vào từng trường hợp sai trái cụ thể của các đệ tử để chế giới. Như vậy,
những giới điều được đặt ra không phải góc nhìn cá nhân của Đức Phật, mà đều dựa
trên cơ sở thực tiễn là những hành vi sai trái từng xảy ra trong Tăng chúng, nhằm
bảo vệ sự trong sạch của Tăng đoàn.
Mặt
khác, trong quá trình hành trì giới luật, có điều khoản tỏ ra bất hợp lý ở khía
cạnh nào đó, Đức Phật có thể điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Điều này được ghi rõ trong
Luật tạng của các bộ phái, đồng thời được nhắc đến một phần trong Kinh tạng. Do
vậy, giới luật Phật giáo mang tính linh hoạt chứ không cứng nhắc.
Giới luật là nền tảng đầu tiên và đóng vai trò quan trọng trong lộ trình tu tập của mỗi cá nhân. Đức Thế Tôn luôn đề cao giới luật trong những bài kinh. Chẳng hạn, Ngài dạy: “Này các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn Pātimokkha, được chế ngự với sự chế ngự của Pātimokkha. Hãy sống đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.” [2]
Theo
quan niệm Phật giáo, yếu tố cốt lõi cấu thành nghiệp cho chúng sanh là sự tác
ý. Do đó, giữ giới để không gây ra ác
nghiệp suy cho cùng là giữ gìn tâm ý trong sạch. Nhờ có giới, hành giả không
gây ra những sai trái khiến mình phải ân hận. Khi vắng mặt những bất an, tâm trở
nên hoan hỷ, tĩnh lặng, không phiền não. Nhờ vậy, hành giả dễ dàng đi đến những
thành tựu trong thiền định. Khi đã có thiền định, trí tuệ hành giả được sáng suốt
trong tiếp cận các đối tượng.
Giới - định - tuệ là ba yếu tố căn bản trên con đường tu tập tiến đến giải thoát. Trong đó, giới là khởi nguồn cho quá trình tu tập của mỗi con người khi bước vào đạo Phật. Ở một góc nhìn khác, giới - định - tuệ là sự tóm tắt của Bát Chánh đạo. Trong đó, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộc về giới, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định thuộc về định, Chánh kiến và Chánh tư duy thuộc về tuệ.
Theo Luật Tứ phần của bộ phái Dharmaguptaka (Pháp Tạng bộ), giới luật có mười điều lợi ích: (1) Nhiếp thủ đối với Tăng, (2) Khiến cho Tăng hoan hỷ, (3) Khiến cho Tăng an lạc, (4) Khiến cho người chưa tín thì có tín, (5) Người đã có tín khiến tăng tưởng, (6) Để điều phục người chưa được điều phục, (7) Người có tàm quý được an lạc, (8) Đoạn hữu lậu hiện tại, (9) Đoạn hữu lậu đời vị lai, (10) Chánh pháp được tồn tại lâu dài. [3]
Điểm
qua những lợi ích nêu trên, có thể nhận thấy chúng xoay quanh ba phương diện:
cá nhân, tập thể, xã hội.
Đối
với cá nhân, giới luật giữ gìn đời sống trong sạch cho mỗi người. Giới luật kiềm
chế những hành vi, lời nói, ý nghĩ của con người để cho chúng không sai lệch. Nếu
người tu hành giữ gìn giới luật một cách tự nguyện và nghiêm khắc, thì họ không
làm việc xấu, nói lời xấu, nghĩ điều xấu. Nói cách khác, mỗi cá nhân khi sống với
giới luật có nghĩa là sống trong sự cẩn trọng cao độ, để không gây hại cho mình
và cho người.
Đối
với tập thể, giới luật bảo vệ sự thanh tịnh và hòa hợp trong Tăng đoàn. Tăng-già
không phải một tập hợp ngẫu nhiên, mà là những người có chung lý tưởng giải
thoát, chấp nhận sinh sống và tu học trong khuôn khổ cố định là giới luật. Khi
mỗi cá nhân trong đoàn thể trong sạch, dẫn đến cả đoàn thể đều trong sạch. Từ
đó, Tăng chúng có thể tu học với nhau trong niềm an vui.
Đối
với xã hội, giới luật là tấm gương để quần chúng soi chiếu. Nhìn hình ảnh các vị
xuất gia giữ gìn giới luật nghiêm túc, mọi người tăng trưởng lòng kính tin Tam Bảo.
Bên cạnh đó, không ít người khởi tâm noi theo những tấm gương ấy. Hàng cư sĩ
phát nguyện thọ trì năm giới bắt nguồn từ đây. Bởi lẽ, ai ai cũng mong muốn hướng
cuộc sống đến sự thanh bạch, cao thượng, thánh hiện.
Có
thể thấy, trái ngược với các tôn giáo khác, giới luật Phật giáo không phải do một
đấng thần linh ban ra để bắt con người phục tùng, tuân theo thì được ban thưởng,
vi phạm thì bị trừng phạt. Giới luật Phật giáo xuất phát từ thực tiễn đời sống
con người, hướng đến giải thoát con người khỏi khổ đau. Nói cách khác, mục đích
của giới luật là cải thiện và phát triển con người. Do đó, giới luật không có ý nghĩa trói buộc,
mà mang đến những lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân khi thực hành, nhờ vậy họ
an lạc và dễ dàng tiến bộ trên con đường tu tập.
Vì giới luật có vai trò nuôi dưỡng đạo hạnh cho con người, nên thấm đẫm tinh thần từ bi của nhà Phật. Chẳng hạn, một lần Tỳ-kheo Bhaddāli đặt câu hỏi về việc buộc tội các Tỳ-kheo không giống nhau, Đức Phật giải thích: “Tỷ-kheo này còn sống (trong Tăng chúng) với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Nếu chúng ta thường hay kết tội Tỷ-kheo này, thời chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy sẽ đi đến đoạn diệt.” [4]
Khi
nhận định về chức năng của giới luật Phật giáo, Chan Khoon San cho rằng: “Chức
năng của đức hạnh hay giới hạnh gồm hai phần, một công đôi việc: (i) ngăn ngừa,
phòng hộ một người để không làm những hành động, lời nói sai trái, vô đạo đức,
(ii) giúp một người có được những phẩm chất cao đẹp, đức hạnh, đáng khen.” [5]
Ở đây cần nói thêm, trong Phật giáo, đồng hành với giới luật là tàm quý. Tàm (hiri) có nghĩa là sự hổ thẹn, quý (ottappa) có nghĩa là biết ghê sợ tội lỗi. Đức Thế Tôn dạy: “Hai pháp trắng này, này các Tỷ-kheo, che chở cho thế giới. Thế nào là hai? Tàm và quý. Nếu hai pháp trắng này, không che chở cho thế giới, thời không thể chỉ được đây là mẹ hay là em, chị của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ, hay đây là vợ của Thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng.” [6]
Nếu
giới luật ngăn ngừa con người khỏi tội lỗi, thì tàm quý khiến con người biết xấu
hổ với tội lỗi. Như thế, giới luật và tàm quý là sự tác động hai chiều vào con
người. Giới luật là sự tác động khách quan, từ bên ngoài vào nội tâm. Trái lại,
tàm quý là sự tác động chủ quan, từ nội tâm ra bên ngoài. Con người biết chủ động
xấu hổ với tội lỗi, kết hợp với tự nguyện sống khép mình trong “hàng rào” của
giới luật, đồng nghĩa bản thân đang chế ngự, điều phục, kiểm soát ba nghiệp một
cách toàn diện. Một người không tàm quý khó có thể giữ gìn trọn vẹn giới luật.
Tóm
lại, tầm quan trọng của giới luật được Đức Phật nhấn mạnh suốt cuộc đời hành đạo.
Trước giờ phút Vô dư Niết-bàn, Đức Thế Tôn tiếp tục nhắc nhở: “Pháp và Luật, Ta
đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo
Sư của các Ngươi.” [7] Mặc dù Đức Như Lai không phó chúc bất kỳ ai lãnh đạo
Tăng đoàn, tuy nhiên điều ấy không có nghĩa là Tăng đoàn không còn nơi nương tựa
sau khi bậc Đạo sư diệt độ. Khi trả lời thắc mắc tương tự của một vị Bà-la-môn,
Tôn giả Ānanda cho biết:
“Này Bà-la-môn, Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã thi thiết học pháp, đã tuyên bố giới bổn Pātimokkha cho các Tỷ-kheo. Trong những ngày Bố-tát (Uposatha) chúng tôi cận trú ở chung một thôn điền, tất cả chúng tôi hội họp với nhau tại một chỗ; sau khi tụ họp, chúng tôi hỏi những gì đã xảy ra cho mỗi một người. Nếu trong khi hỏi nhau như vậy, có Tỷ-kheo phạm tội, phạm giới, chúng tôi bảo vị ấy làm đúng Pháp, đúng lời dạy. Thật vậy, không phải các Tôn giả xử sự chúng tôi, chính Pháp xử sự chúng tôi.” [8]
Đạo
Phật có hoài bão lớn lao là chuyển hóa đời sống con người, từ phàm tục đến
thánh thiện. Để thực hiện mục đích đó, Đức Phật giảng dạy nhiều phương pháp đa
dạng, tùy theo trình độ của mỗi đối tượng tiếp nhận. Tuy nhiên, trong tất cả
các lộ trình tu tập ấy, giới luật luôn là điểm xuất phát đầu tiên. Người xuất
gia hay tại gia theo đạo Phật đều phải giữ gìn giới, khác chăng là số lượng giới
điều mà mỗi đối tượng phải vâng giữ. Bởi lẽ, một con người khó có thể thay đổi
tâm hồn, nếu không bắt đầu từ thay đổi tập tính, thói quen, hành vi…
Giới
luật Phật giáo sát thực tiễn, có giá trị hướng thượng, nâng cao phẩm giá con
người. Bởi vì, nếu một người sống tùy tiện, họ sẵn sàng thực hiện những hành
vi, lời nói, ý nghĩ bất chấp đúng sai, gây hại cho mình và cho người. Khi giữ
gìn giới luật, họ không phải bị giới luật kìm hãm, mà là tự mình tôi luyện bản
thân dựa trên nền tảng giới luật. Do vậy, dù đời sống xã hội liên tục thay đổi,
nhưng giới luật Phật giáo luôn giữ nguyên giá trị trong định hướng và phát triển
con người.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên
Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 182, 2023)
_______________________
CHÚ THÍCH:
1. Thích Nguyên Tâm (2018), Từ điển Phật học tinh tuyển,
Tập 2, Nxb Hồng Đức, tr. 309.
2. Kinh
Tăng chi bộ (2015), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, tr. 347.
3. Tứ
phần luật (2006), Quyển 1, Thích Đỗng Minh & Thích Đức Thắng dịch, Ban
Tu thư Phật học, tr. 22.
4. Kinh
Trung bộ (2012), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, tr. 337.
5. Chan Khoon San (2012), Giáo
trình Phật học, Lê Kim Kha dịch, Nxb Phương Đông, tr. 354.
6. Kinh
Tăng chi bộ (2015), Tập I, Sđd, tr. 88-89.
7. Kinh
Trường bộ (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, tr. 540.
8. Kinh
Trung bộ (2012), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, tr. 333-334.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chan Khoon San (2012), Giáo trình Phật học, Lê Kim Kha dịch,
Nxb Phương Đông.
2. Kinh
Tăng chi bộ (2015), Tập I, Thích Minh Châu dịch,
Nxb Tôn giáo.
3. Kinh
Trung bộ (2012), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo.
4. Kinh
Trường bộ (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo.
5. Tứ phần luật (2006), Quyển 1, Thích Đỗng Minh
& Thích Đức Thắng dịch, Ban Tu thư Phật học.
6. Thích Nguyên Tâm (2018), Từ điển Phật học tinh tuyển, Tập 2, Nxb Hồng Đức.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét