Trong vô vàn những muộn phiền từ cuộc
sống hằng ngày, có bao giờ chúng ta nhận ra rằng có rất nhiều điều do chính
mình tạo ra hay không?
Nhiều người hay nhận xét, những tiếp viên xe bus thường có thái độ cộc cằn với hành khách. Giả sử một ngày nào đó, bạn lên một chiếc xe bus, trong lúc mua vé bị tiếp viên nạt nộ đôi câu khiến mình bức bội, bạn sẽ làm gì tiếp theo?
Bạn sẽ mang sự bực dọc đó theo suốt
chặng đường chuyến xe chạy qua, mang đến cơ quan, mang về nhà, mang lên bàn ăn
cơm, mang vào phòng tắm, mang vào phòng ngủ… Bạn mang sự bực dọc ấy vào cả
những nơi vốn được xem là bình yên nhứt trong cuộc sống hằng ngày. Vậy là một
ngày trôi qua, đáng lẽ bạn có thể nuôi dưỡng được rất nhiều những cảm xúc tốt
đẹp, nhưng bạn đã dành 24 giờ ấy để nuôi dưỡng sự bực dọc. Liệu có đáng không?
Sau khi bạn đặt chân xuống mặt đường,
chuyến xe bus đã tiếp tục hành trình của nó. Đáng lẽ, bạn cũng sẽ bắt đầu hành
trình mới của riêng mình. Nhưng không, đôi chân thì vẫn đi, nhưng tâm hồn lại
tiếp tục trôi lăn cùng chuyến bus, vì trên đó có một người mà bạn cảm thấy…
“khó ưa”. Nói đúng hơn, bạn đang trôi lăn cùng những phiền muộn từng xảy ra
trên chuyến bus ấy, dù đôi chân của mình đã đặt ở địa điểm khác rồi.
Bạn không nhận ra rằng, khi tiếp viên
xe bus nạt nộ xong, hành động đó đã kết thúc tại thời điểm đó và trở thành
chuyện của quá khứ rồi, không còn là chuyện của hiện tại nữa. Sự bực dọc mà bạn
mang theo suốt ngày, không phải vì lời nạt nộ của tiếp viên kia. Bởi, người ấy
nạt nộ bạn vào lúc 8 giờ sáng, nhưng vào lúc 12 giờ trưa hay 18 giờ tối thì
không. Vậy tại sao bạn vẫn bực mình? Rõ ràng, nguyên nhân hình thành sự bực dọc
đã chấm dứt, nhưng chính bạn đang tiếp tục nuôi dưỡng sự bực dọc đó.
Chính chúng ta nuôi dưỡng những cảm xúc
tiêu cực, rồi cũng chính chúng ta than thở về những thứ mà mình đã nuôi dưỡng.
Lạ chưa?
Chúng ta luôn sai lầm khi lấy những
biểu hiện của người khác làm thước đo cho trạng thái tâm hồn mình. Thậm chí có
thể, những hành động của người khác không liên quan đến mình, không tác ý vào
mình, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy khó chịu, chỉ vì đơn giản là… nó khó chịu.
Nhưng “nó” - cái hành động kia - không thể tự khó chịu hay dễ chịu, mà chính chúng
ta đang nhìn nhận nó qua lăng kính khó chịu.
Cứ như vậy, chúng ta nhìn đâu cũng thấy
khó chịu, nhìn ai cũng thấy khó chịu, nhìn việc gì cũng thấy khó chịu… Mỗi ngày
trôi qua, chúng ta chìm ngập trong vô vàn những cảm xúc khó chịu nối tiếp nhau.
Rồi từ đó, chúng ta than thở rằng tại sao cuộc đời mình toàn những điều u tối.
Chính mình đã đeo “cặp kính đen” lên đôi mắt, việc cần làm là tháo nó xuống.
Nếu không, dù có than thở cả đời thì cũng không sao dễ chịu được.
Có một bộ tượng mà nhiều người thích trưng
bày, đó là ba chú khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng. Có người giải thích, chúng
mang ý nghĩa là mắt không nhìn điều xấu, tai không nghe điều xấu, miệng không
nói điều xấu. Lại có người cho rằng, chúng chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là không
nhìn, không nghe, không nói. Nhưng nếu chỉ đơn giản là không nhìn, không nghe,
không nói thì chẳng lẽ chúng ta sống như người mù, người điếc, người câm? Mà
dẫu là người mù, người điếc, người câm thì cuộc sống của họ có thực sự an vui
hay không? Cho nên cứ hãy nghe, hãy nhìn, hãy nói, nhưng quan trọng là đừng cầm
tù những điều ấy ở trong lòng. Hãy cứ làm những công việc của mình thôi và đừng
phiền muộn vì những biểu hiện của người khác, đừng lấy nó làm thước đo cho
những buồn vui thương ghét của bản thân.
Do vậy, trong vô vàn những buồn phiền
từ cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều điều do chính chúng ta tạo ra, chứ không
phải do người khác mang đến. Nào chỉ có những sự việc bên ngoài khiến bạn đau
khổ, mà chính cả những suy nghĩ của bạn khi đón nhận các sự việc ấy khiến bạn
khổ đau. Bởi thế, điều quan trọng là chúng ta có khả năng thay đổi góc nhìn,
thái độ tiếp nhận, cách ứng xử… trước những tình huống muôn hình vạn trạng từ
đời sống.
VĨNH THÔNG
(Tác phẩm đăng trên Tập san Văn nghệ Thoại Sơn, số 1, 2024)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét