Nhà nghiên cứu Vĩnh Thông ở tuổi 28 vừa
ra mắt cuốn sách biên khảo thứ tư Phong
vị Nam Hà với nhiều khám phá văn hóa dân gian thú vị.
Nhà nghiên cứu Vĩnh Thông sinh năm 1996 tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Sống gắn bó với quê nhà, nhưng anh sớm khẳng định được vị trí một cây bút được sự đón nhận của bạn đọc cả nước. Hiện nay, anh là hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam lẫn Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Với tư cách người sáng tác, Vĩnh Thông
có sở trường ở thơ và truyện ngắn. Còn với tư cách nhà nghiên cứu, Vĩnh Thông
có thế mạnh về biên khảo văn hóa phương Nam. Sau ba tập biên khảo An Giang núi rộng sông dài, Dấu ấn thượng châu thổ và Đình và làng Bình Thủy, nhà nghiên cứu
Vĩnh Thông ở tuổi 28 lại có thêm cuốn sách Phong
vị Nam Hà.
Phong
vị Nam Hà được nhà nghiên cứu
Vĩnh Thông tập trung vào ba chủ đề “Địa danh & nhân vật”, “Tín ngưỡng - tôn
giáo” và “Đời sống sinh hoạt” với nhiều phát hiện mới và nhiều kiến giải lý
thú.
Nam Hà là tên gọi khác của Đàng Trong.
Mặc dầu nội dung tác phẩm chỉ gói gọn trong phạm vi Nam Bộ, tác giả vẫn sử dụng
khái niệm “Nam Hà” để nhắc nhớ dấu tích tiền nhân. Mặt khác, ngoài yếu tố lịch
sử, nhà nghiên cứu Vĩnh Thông muốn liên tưởng “Nam Hà” với “dòng sông phương
Nam”. Bởi lẽ, nói đến vùng đất Nam Bộ là nói đến địa hình sông nước và nói đến
con người Nam Bộ cũng là nói đến đời sống sông nước.
Năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng vào trấn
Thuận Hóa, mở ra trang sử mới cho lịch sử dân tộc. Sau hai thế kỷ, lãnh thổ Đại
Việt mở rộng gấp rưỡi, gần tương đương với lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Song
hành với quá trình mở mang bờ cõi, lao động sản xuất, chống giặc ngoại xâm… là
quá trình xây dựng nền văn hóa. Là vùng đất mới, lịch sử chưa phải quá lâu dài,
nhưng Đàng Trong nói chung hay Nam Bộ nói riêng có nhiều dấu ấn văn hóa độc
đáo, vừa đa dạng vừa đặc thù. Đó là nền văn hóa tiếp xúc và tiếp biến từ nhiều
truyền thống như Việt, Chăm, Khmer, Hoa… Để rồi nền văn hóa dung hợp ấy lại
tiếp tục sản sinh nhiều thực hành văn hóa mới mẻ.
Phân tích sự ảnh hưởng của tiếng Pháp
đến văn hóa phương Nam, nhà nghiên cứu Vĩnh Thông phân tích: “Thời thuộc địa,
Nam Kỳ đã tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến với văn hóa phương Tây mà đại diện là
văn hóa Pháp, từ đó làm thay đổi căn bản diện mạo văn hóa xã hội trên nhiều
bình diện. Song, văn hóa phương Tây đến chủ yếu bằng con đường cưỡng bức, cư
dân vùng đất nầy có lớp văn hóa bản địa vững chắc và ý thức cao về bản sắc dân
tộc, do đó họ không bị nô dịch về văn hóa. Trái lại, họ chủ động chọn lọc những
yếu tố có giá trị tích cực để đón nhận, đồng thời năng động sáng tạo để biến
đổi cho phù hợp với văn hóa dân tộc.
Về phương diện ngôn ngữ, người miền Nam
đã chủ động và tích cực đón nhận những lớp từ ngữ mới từ tiếng Pháp, không xem
là yếu tố ngoại lai có ảnh hưởng tiêu cực đến ngôn ngữ dân tộc, mà cố gắng bản
địa hóa để gần gũi với đời sống thường ngày”.
Phong
vị Nam Hà giúp công chúng tìm
hiểu về các danh nhân và sự kiện bị khuất lấp trong bóng mờ của lịch sử, những
di tích và giai thoại, nhiều tập tục đa dạng của các tộc người, niềm tin liên
quan đến núi non của cư dân vùng biên giới, các hiện tượng tôn giáo bản địa,
các loại hình diễn xướng dân gian, những yếu tố văn hóa được tiếp biến ở Nam
Bộ…
Đặc biệt, những nghiên cứu của các tác
giả đi trước chưa đề cập hoặc chỉ nhắc đến sơ lược, thì nhà nghiên cứu Vĩnh
Thông cung cấp thêm nhiều dữ kiện cụ thể và thuyết phục. Chẳng hạn, “Tục thờ
Chiêu Ứng của người Hoa Hải Nam”, “Tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng ở hòn
Sơn Rái”, “Xác định lại thời điểm người Chăm đến Nam Bộ” hoặc “Kiến trúc miếu
thờ của người Hoa ở Châu Đốc”.
Trong đời sống sinh
hoạt phương Nam, nhà nghiên cứu Vĩnh Thông cho rằng mắm Châu Đốc là một di sản biên
thùy. Vì sao như vậy? Anh nhận định: “An Giang là nơi đầu tiên đón hai dòng
nước sông Tiền và sông Hậu chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Do đó, vùng đất nầy được
thiên nhiên ban tặng nguồn thủy sản dồi dào. Với những tri thức và kinh nghiệm
đã tích lũy, người xưa đã chế biến các loại cá từ sông Cửu Long làm mắm, nhằm
mục đích bảo quản lâu dài. Có lẽ ít ai ngờ rằng, sau hàng trăm năm khai mở chốn
biên thùy, món ăn dân dã nầy lại trở thành thương hiệu mắm Châu Đốc nức tiếng
gần xa.
Để làm mắm, người dân sử dụng các loại
cá rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày như cá lóc, cá linh, cá chốt, cá
sặc, cá trèn, cá mè vinh… Cá được làm sạch rồi cho vào lu, ướp muối, sau đó lấy
vỉ gỗ gài chặt lại. Khoảng một hoặc hai tuần sau, cá được lấy ra để rửa sạch,
cho thêm thính (gạo rang xay nhuyễn), rồi cho vào lu như cũ. Sau khoảng sáu
tháng, lu cá được mở ra để chao đường (trộn đường). Để mắm ngon, thứ đường được
sử dụng là đường thốt lốt (theo cách gọi địa phương, chứ không phải “thốt nốt”)
đặc trưng vùng Thất Sơn.
Song, ngoài yếu tố nguồn thủy sản dồi
dào, không thể không kể đến một yếu tố khác cực kỳ quan trọng, đó là khí
hậu. Tây Nam Bộ là
vùng đất có nắng nóng quanh năm, do đó mắm ủ trong lu có thể “chín” nhờ nhiệt
độ cao và không bị giòi bọ xâm hại”.
Với Phong
vị Nam Hà gần 300 trang, nhà nghiên cứu Vĩnh Thông thổ lộ: “Dù năng lực bản
thân có giới hạn, tôi vẫn mong mỏi có thể đóng góp một phần công sức nhỏ vào
lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, chia sẻ những thông tin bổ ích cho những ai
có nhu cầu tìm hiểu, hay chỉ đơn giản là mang đến cho người đọc những phút giây
trải nghiệm về vùng đất này”.
PHẠM TUẤN
(Bài đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 17/9/2024)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét