Người viết nghiên cứu về văn hóa An Giang, hoặc người đọc các tác phẩm về chủ đề nầy, chắc hẳn không ít lần bắt gặp những trích dẫn được ghi là tham khảo từ Những trang về An Giang của Trần Thanh Phương. Tuy nhiên, quyển sách ấy ra sao thì ít người biết, vì nó đã ra đời cách nay 40 năm.
Sau khi đất nước hòa bình chưa đầy 10 năm, tác phẩm nầy được nhà khảo cứu Trần Thanh Phương biên
soạn vào năm 1984. Sách do Hội Văn nghệ An Giang (Hội Văn học
Nghệ thuật An Giang) chịu trách
nhiệm xuất bản, Sở Văn hóa và Thông
tin An Giang cấp giấy phép. Cần nhắc lại, Hội Văn nghệ An Giang vừa thành lập vào bốn năm
trước đó (1980).
Tác giả của nó - nhà báo, nhà văn,
nhà khảo cứu Trần Thanh Phương (1940 - 2020) quê quán ở Cà Mau. Năm 1954, ông
theo gia đình tập kết ra Bắc. Sau năm 1975, ông công tác ở nhiều đơn vị báo
chí, sau cùng là Phó Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết. Ông là tác giả của hàng
chục tác phẩm ở nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện dài, ký, khảo cứu… Trong đó, một số tác phẩm tiêu biểu như: San hô đỏ (1975), Những trang về An Giang (1984), Minh
Hải địa chí (1985), Xa xa mũi đất Cà
Mau (1987), Cửu Long địa chí
(1988), Về nhà mình xa quá, má ơi! (2006), Lời cuối với nhà văn đã đi xa (2016), Rượu với văn chương (2017)…
Nói về định hướng biên soạn Những trang về An Giang, ông cho biết: “Quyển Những trang về An Giang (loại sách địa
chí) mà bạn đọc cầm trong tay chỉ là một phác thảo nhỏ, mục đích người biên
soạn khiêm tốn, nên có nhiều vấn đề đáng lẽ trình bày cặn kẽ hơn thì lại lướt
qua, nhất là những vấn đề cũ, chúng tôi không chủ trương giới thiệu sâu. […] Ở
đây, chỉ mong giúp bạn đọc hình dung được phần nào từng mặt của vùng đất và con
người An Giang” (tr. 6-7).
Về hình thức, sách dày 288 trang, khổ 14 x 20,5 cm,
đính kèm một bản đồ tỉnh An Giang kích thước lớn và không đánh số trang, in lần đầu 3200 bản, in xong vào tháng
2 năm 1985. Sách có bìa trang nhã, hình thức trình bày chỉn chu,
trang trọng. Đây cũng là một điểm nhấn trong bối cảnh kỹ thuật in và xuất bản
thời bấy giờ còn khá thô sơ. Ngoài ra, sách có nhiều hình ảnh minh hoạt rất
phong phú, sinh động và giàu giá trị, vì các đối tượng được phản ánh trong hình
ảnh ấy hiện nay đã thay đổi.
Về nội dung, sách gồm 11 chương: (1) Thiên nhiên và con người, (2) Truyền thống chống xâm lược, (3) Mỹ Hoà Hưng và Bác Tôn Đức Thắng, (4) Nông nghiệp, (5) Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp,
(6) Thương nghiệp, (7) Giao thông vận tải - Bưu điện, (8) Giáo dục, (9) Y tế, (10) Thể dục thể thao, (11) Văn hóa - Văn nghệ. Bố cục nêu
trên gần như đã khái quát đầy đủ về tỉnh An Giang qua các lãnh vực. Dĩ nhiên,
với giới hạn khuôn khổ tập sách chưa đầy 300 trang, các vấn đề được trình bày
sơ lược những nét chính, không đi vào chi tiết. Tuy vậy, người đọc vẫn có thể
nắm được những thông tin cần thiết về địa phương trong bối cảnh đương thời.
Qua tác phẩm, chúng ta được biết về
núi non, sông ngòi, thời tiết, lịch sử khai mở và xây dựng, quá trình đấu tranh
chống ngoại xâm, tình hình phát triển kinh tế, làng nghề thủ công truyền thống,
tuyến giao thông trọng điểm, đơn vị hành chính, danh lam thắng cảnh, tôn giáo…
của An Giang. Đặc biệt, với tinh thần khoa học, tác giả đã trình bày các vấn đề
một cách khách quan, ngay cả những vấn đề được xem là “nhạy cảm” trong giai
đoạn thập niên 1980 như tôn giáo.
Đặt Những trang về An Giang trong tình hình nghiên cứu địa phương lúc
bấy giờ, ta mới thấy hết giá trị của nó. Đây là công trình địa phương chí đầu tiên của tỉnh An Giang
sau chiến tranh (1975). Thậm chí, nó có thể là địa phương chí đầu tiên từ khi
thành lập tỉnh (1832). Đầu thế kỷ XX, Hội Nghiên cứu Đông Dương đã biên soạn Chuyên khảo về tỉnh Châu Đốc (Monographie de la Province de Long Xuyen,
1902) và Chuyên khảo về tỉnh Long Xuyên (Monographie de la Province de Chau Doc,
1905), nhưng khi đó hai tỉnh chưa tái nhập thành
tỉnh An Giang và hai quyển trên rất sơ lược. Thập niên 1950 - 1970, một số tác
phẩm về văn hóa An Giang ra đời như Thất Sơn mầu nhiệm của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu (1955), Tân Châu (1870 - 1964) của Nguyễn Văn Kiềm (1966), Nửa tháng
trong miền Thất Sơn
của Nguyễn Văn Hầu (1970)… Song, các quyển nầy xoay quanh một số đề tài cụ thể,
chưa phải là toàn tỉnh.
Cần nói thêm, bốn năm sau Những trang về An Giang, cuốn Lịch sử An Giang do nhà văn Sơn Nam biên soạn được Nhà
xuất bản Tổng hợp An Giang phát hành vào năm 1988. Đây
là chuyên khảo đầu tiên về lịch sử tỉnh An Giang. Như vậy, hai
công trình giá trị về địa phương đã lần lượt được xuất bản trong thập niên
1980. Khi ấy, đất nước hòa bình chưa lâu, đời sống còn khó khăn, riêng An Giang phải hứng chịu sự tấn công của quân đội Polpot. Hai tác phẩm
đã thể hiện sự nỗ lực của tỉnh trong giữ gìn và lan tỏa những giá trị
truyền thống, cũng như tính cấp thiết trong nghiên cứu về An Giang trong bối
cảnh xã hội mới.
Trong “Lời giới
thiệu” của Những trang về An Giang, Hội Văn nghệ An Giang cũng nêu rõ: “Do đó, việc
nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu An Giang từ trước đến nay không chỉ là yêu cầu
cấp thiết nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế và đời sống văn hóa ở
địa phương mà còn có ý nghĩa đóng góp vào công tác nghiên cứu đất nước, nói
chung” (tr. 5). Cần lưu ý, cả hai tác giả Trần Thanh Phương và Sơn Nam đều
không phải người An Giang, qua đó cho thấy lực lượng nghiên cứu ở An Giang khi
ấy còn thiếu thốn.
Bước sang đầu thế kỷ XXI, tỉnh An Giang đã thực hiện công
trình Địa chí An Giang với sự tham
gia biên soạn của hàng chục nhà nghiên cứu uy
tín. Tác phẩm dày trên một ngàn trang, trình bày nhiều lãnh vực như địa lý, lịch sử, kinh tế, văn
hóa, xã hội… So với Những trang về An
Giang thì Địa chí An Giang đồ sợ,
công phu và chất lượng hơn rất nhiều. Tuy nhiên với dung lượng lớn, thông tin sâu,
tính hàn lâm cao, Địa chí An Giang sẽ phù hợp với giới học thuật hơn. Trong khi
đó, Những trang về An Giang là địa phương chí “bỏ túi” - gọn nhẹ
về dung lượng và cô đúc về thông tin, phù hợp với nhu cầu tìm hiểu của độc giả
phổ thông, những người không có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu. Tạm so sánh, có
thể nói Những trang về An Giang như
phiên bản “thu nhỏ” của Địa chí An Giang.
Nhìn lại, Những trang về An Giang tròn 40 năm có mặt, trong khi tác
giả đã đi xa. Khi một tác phẩm địa phương chí được xuất bản thì tự nó đã “lạc
hậu” so với đời sống thực tế đang thay đổi từng ngày. Là người khảo cứu, Trần
Thanh Phương ý thức rõ quy luật ấy. Ông bộc bạch: “Tỉnh An Giang trên bước
đường đi lên rất mạnh mẽ. Ngày ngày có biết bao sự đổi thay, biết bao cái mới
xuất hiện. Cho nên quyển sách này đến tay bạn đọc thì có những số liệu, những
vấn đề không còn như sách đã nói” (tr. 7).
Quả vậy, thời gian đã lùi xa, nhiều chi
tiết trong Những trang về An Giang đã không
còn đúng với thời điểm hiện nay như dân cư, đơn vị hành chính, tình hình phát
triển kinh tế, các số liệu thống kê… Tuy nhiên, giá trị mà tác phẩm để lại là
giá trị lịch sử. Bởi qua đó, chúng ta có thể biết rõ hơn tình hình địa phương
vào thập niên 1980, mà hiếm có tác phẩm nào hiện nay có thể thay thế được. Và
suốt 40 năm qua, trong danh mục tài liệu tham khảo của những quyển sách nghiên
cứu về An Giang, Những trang về An Giang luôn có mặt
như một công trình không thể thiếu.
Có thể ví von, Những trang về An Giang của Trần Thanh Phương do Hội Văn
nghệ An Giang xuất bản vào năm 1984 như một “huyền thoại” trong giới nghiên cứu văn hóa An Giang!
Nhân sự kiện thành lập Phân hội Văn
nghệ dân gian thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang (2024), tròn 40 năm ra đời tác phẩm Những trang về An Giang của Trần Thanh
Phương (1984 - 2024), hướng đến 45 năm thành lập Hội Văn nghệ An Giang (1980 - 2025) và 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt
Nam sau khi đất nước thống nhất (1975 - 2025), chúng tôi góp đôi lời “ôn cố tri tân” về tác phẩm
khởi đầu cho lãnh vực nghiên cứu văn hóa An Giang sau chiến tranh.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Thất Sơn, số 311, 2024)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét